Ngày 11/1, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai bên vẫn đang tiến hành các cuộc thảo luận chặt chẽ về việc triển khai thêm các khí tài chiến lược song từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ có thể cử máy bay ném bom B-2, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và máy bay tiêm kích F-22. Trước đó, hôm 10/1, Mỹ đã triển khai một
máy bay ném bom B-52 có khả năng mang tên lửa hạt nhân tới Hàn Quốc.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết việc triển khai thêm khí tài chiến lược có nghĩa là những máy bay ném bom có khả năng mang tên lửa hạt nhân chứ không bố trí vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc như trước đây. Một số ý kiến đánh giá điều này có thể làm leo thang căng thẳng thành chạy đua vũ trang nguy hiểm tại khu vực, khiến Triều Tiên quyết tâm phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Tình hình tại Đông Bắc Á nóng trở lại sau vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên từ năm 2006. Ngay sau vụ thử, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lập tức ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng tiến hành họp khẩn cấp nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với tình huống nghiêm trọng nảy sinh từ vụ việc này. Dù vẫn chưa xác minh được loại thiết bị hạt nhân mà Triều Tiên vừa thử có phải là bom H như Bình Nhưỡng tuyên bố hay không, các quốc gia trong khu vực đang có các động thái chuẩn bị đối phó.
Dự kiến các Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ nhóm họp vào ngày 16/1 tới tại Tokyo để thảo luận về phương thức đáp trả Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh “mục đích của kế hoạch này là nhằm khẳng định quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ba bên trong việc đối phó với Triều Tiên”. Được biết, các trưởng đoàn đàm phán sáu bên của ba nước cũng có kế hoạch nhóm họp vào ngày 13/1 tại Seoul, Hàn Quốc.