Phát biểu với báo giới cuối tuần qua tại Bahrain, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie thông báo trong thời gian tới, tốc độ triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn này nhằm vào tàn quân IS sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, ông McKenzie không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các hoạt động của chiến dịch quân sự này, nhưng ca ngợi mối quan hệ hiện tại của quân đội Mỹ với lực lượng người Kurd là "khá tốt đẹp" bất chấp mọi biến động.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh cho quân đội Mỹ đóng quân tại Iraq di chuyển vào miền Đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu của khu vực này trước nguy cơ các cuộc tấn công từ phía IS.
Việc Mỹ tái khởi động lại chiến dịch quân sự quy mô lớn này diễn ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ ngày 26/10 đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh khét tiếng của IS. Một chất xúc tác khác khiến Mỹ quyết định tái khởi động chiến dịch trên là việc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) vào tuần trước đã ra báo cáo nói rằng lực lượng IS sẽ cố gắng tái tập hợp ở Syria trong bối cảnh áp lực từ lực lượng chung của Mỹ và người Kurd đang suy giảm.
Sự gia tăng binh lực trong khu vực trên diễn ra sau khi Tổng thống Trump chỉ thị rút các binh sĩ Mỹ còn lại đang đóng quân gần biên giới phía Đông Bắc Syria hồi đầu tháng 10 vừa qua. Động thái này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía cả đảng Dân chủ và Cộng hòa khi nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng hành động rút quân là sự phản bội đối với lực lượng người Kurd, vốn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Không có quân đội Mỹ chiếm đóng tại khu vực trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, người luôn coi lực lượng người Kurd là thù địch, đã phát động chiến dịch tấn công quân sự lớn vào miền Bắc Syria.