Các nhà lãnh đạo thế giới gọi việc tiêu diệt thủ lĩnh IS là “bước ngoặt” trong cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, giới chức các nước và chuyên gia an ninh cũng đồng thời cảnh báo rằng tổ chức vốn thường xuyên thực hiện các hành vi tàn ác chống lại các cộng đồng tôn giáo thiểu số, trong đó hầu hết là nhằm vào người Hồi giáo, vẫn là "một con quái vật nhiều đầu" và là mối đe dọa an ninh không chỉ tại Syria mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới.
Quan chức Mỹ khẳng định quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi miền Bắc Syria vào ngày 6/10 vừa qua không đồng nghĩa với việc Washington đang từ bỏ cuộc chiến chống IS. Phát biểu với báo giới, ông khẳng định: "Đừng bao giờ có ý nghĩ rằng chúng tôi sẽ từ bỏ nhiệm vụ tiêu diệt IS".
Theo quan chức trên, ngoại trưởng của hơn 30 quốc gia đang chiến đấu chống IS sẽ nhóm họp tại Washington vào ngày 14/11 tới. Dự kiến, các nước tham gia liên quân chống IS sẽ "xem xét các bước đi tiếp theo nhằm tăng cường sự hiện diện của liên quân tại Đông Bắc Syria". Quan chức này cho rằng Mỹ muốn tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các đồng minh - một ưu tiên chủ chốt đối với Tổng thống Donald Trump, người thường cáo buộc các đối tác của Mỹ không chịu chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự.
Trước đó, ngày 27/10, Tổng thống Trump xác nhận đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức IS Abu Bakr al-Baghdadi trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Ngoài al-Baghdadi, nhiều thuộc hạ và phần tử ủng hộ y cũng bị tiêu diệt trong cuộc đột kích này. Nhà lãnh đạo Mỹ cảm ơn Nga đã mở cửa không phận giúp Mỹ tiến hành cuộc đột kích bất ngờ này, đồng thời ông cũng đánh giá cao lực lượng người Kurd ở Syria cung cấp thông tin giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS.
Truyền thông Trung Đông cùng ngày dẫn nguồn tin từ một quan chức tình báo Iraq cho biết cơ quan tình báo nước này đã cung cấp cho liên quân do Mỹ đứng đầu tọa độ chính xác về địa điểm ẩn náu của thủ lĩnh IS. Việc làm này đã góp phần mở đường cho cuộc đột kích được cho là đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng này.
Cái chết của al-Baghdadi có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan năm 2011. Abu Bakr Al Baghdadi đã lẩn trốn suốt 5 năm nay. Trừ lần xuất hiện trong một đoạn video do IS tung ra hồi tháng 4/2018, lần gần đây nhất al- Baghdadi xuất diện công khai là vào tháng 7/2014 tại Đại thánh đường ở Mossoul, Iraq.
Trong một thông báo về kết quả cuộc đột kích hoàn thành mục tiêu an ninh quốc gia hàng đầu của mình, Tổng thống Trump cho biết ông có thể cho phép giải mật và công bố một phần hình ảnh được ghi lại hôm 26/10 về cuộc đột kích ở Syria, trong đó thủ lĩnh IS al-Baghdadi đã phải tự sát cũng như cướp đi mạng sống của 3 người con của mình bằng cách kích hoạt khối thuốc nổ trong áo vest sau khi bị quân đội Mỹ truy đuổi và dồn vào một đường hầm. Đoạn video được cho là bao gồm các cảnh quay từ trên không và có thể có cả các cảnh quay từ các camera gắn trên những binh sĩ tham gia chiến dịch.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley cho biết các lực lượng Mỹ đã bắt giữ hai đối tượng là nam giới trong cuộc đột kích dẫn tới cái chết của al-Baghdadi.
Phát biểu họp báo tại Lầu Năm Góc, Tướng Milley cho biết: "Có hai người đàn ông trưởng thành bị đưa ra khỏi mục tiêu, còn sống. Họ ở trong trại giam của chúng tôi và họ đang ở trong một cơ sở an toàn".
Cũng theo Tướng Milley, Mỹ đã tiến hành thủy táng al-Baghdadi với các nghi thức của người Hồi giáo, tương tự như với trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây.