Theo hãng tin Reuters, quân đội Mỹ mới đây cho biết họ đã ký một hợp đồng trị giá 625 triệu USD với Tập đoàn Raytheon Technologies mua tên lửa phòng không Stinger để bổ sung kho dự trữ.
Kể từ tháng 2 năm nay, Mỹ đã chuyển khoảng 1.400 chiếc Stinger đến Ukraine. Các đồng minh của Mỹ cũng muốn mua Stinger để bổ sung cho lượng thiếu hụt do họ đã viện trợ cho Ukraine trong những tháng gần đây.
Theo tài liệu mà nguồn tin trên có được, hợp đồng mới lên tới 1.4 tên lửa Stinger và ước tính thời gian giao hàng có thể mất đến 30 tháng.
Chủ tịch quốc phòng và tên lửa của Raytheon, Wes Kremer, cho biết hợp đồng này sẽ giúp hoàn thành đơn hàng quân sự nước ngoài hiện tại của công ty, đồng thời bổ sung Stinger cung cấp cho Ukraine.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Raytheon, Greg Hayes, lưu ý: "Một số bộ phận không còn được bán trên thị trường, và vì vậy chúng tôi sẽ phải tìm kiếm và thiết kế lại một số thiết bị điện tử trong đầu dò của tên lửa. Điều đó sẽ khiến chúng tôi mất thêm một chút thời gian".
Tài liệu cũng nêu rõ Lầu Năm Góc đang tìm kiếm tên lửa Stinger tồn kho nhưng cần được bảo dưỡng lại. Theo Lầu Năm Góc, dây chuyền sản xuất Stinger đã bị đóng cửa vào tháng 12/2020. Tháng 7/2021, Raytheon giành được hợp đồng sản xuất thêm Stinger, nhưng chủ yếu cho các khách hàng quốc tế.
Quân đội Mỹ đã hạn chế sử dụng nguồn cung Stinger. Đây là vũ khí hạng nhẹ, có thể được triển khai nhanh chóng để phòng thủ trước trực thăng, máy bay, máy bay không người lái và thậm chí cả tên lửa hành trình. Cơ sở duy nhất của Stinger ở Arizona chỉ sản xuất với tỷ lệ thấp.