Theo đài Sputnik, Lầu Năm Góc đang thảo luận với Saudi Arabia về việc chuyển đổi 3 cơ sở tại Saudi Arabia thành những căn cứ lưỡng dụng.
Tướng Thủy quân lục chiến Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho hay Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các phương án trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran.
Ba địa điểm được Lầu Năm Góc cân nhắc là cảng biển tại Yanbu, trên Biển Đỏ gần Medina; căn cứ không quân King Fahd ở Taif phía Đông Mecca và căn cứ không quân King Faisal ở Tabuk, cách biên giới Arab – Israel 100 km về phía Nam.
Vào những năm 1980 và 1990, Mỹ điều động quân tới Saudi Arabia. Tuy nhiên, quân Mỹ đã rút khỏi quốc gia này sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden cáo buộc quân Mỹ hoạt động gần các thành phố Hồi giáo linh thiêng Mecca và Medina. Đây cũng là lý do mà nhóm khủng bố al-Qaeda lấy làm cớ tấn công nước Mỹ. Tháng 2/2020, khoảng 2.500 lính Mỹ đã quay trở lại căn cứ không quân Prince Sultan, thực hiện nhiệm vụ phòng không trên bộ và trên không.
“Những phương án mà Mỹ đang cân nhắc sẽ được lên kế hoạch cẩn trọng, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận tạm thời hoặc có điều kiện triển khai ở các cơ sở trong trường hợp xảy ra xung đột, và không mang tính khiêu khích dưới bất kỳ hình thức nào”, Đại úy Hải quân Bill Urban, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung tâm, trả lời hãng tin AP.
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đang gây sức ép để Saudi Arabia chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến Yemen.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã quyết định tạm ngừng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thỏa thuận có liên quan với lực lượng Houthi tại Yemen, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xem xét có tiếp tục liệt lực lượng này vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài hay không. Theo thông báo ngày 25/1 của Bộ Tài chính Mỹ, quyết định có hiệu lực trong một tháng, đến ngày 26/2 (giờ Mỹ), cho phép các tổ chức nhân đạo thực hiện các giao dịch với Houthi để triển khai công tác cứu trợ tại Yemen. Houthi hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen, trong đó có cả thủ đô Sanaa.
Yemen sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014 khi các tay súng của Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bớt tình trạng bạo lực. Theo Liên hợp quốc, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.