Kế hoạch này được đưa ra nhằm mục đích mở rộng vị thế của Mỹ trong bối cảnh các đồng minh phương Tây ngày càng quan ngại về tham vọng gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu Mỹ xây dựng một cảng ở Darwin thì cơ sở này sẽ nằm gần Cảng Darwin, nơi Tập đoàn Land Landbridge của Trung Quốc đã ký một hợp đồng thuê trong vòng 99 năm từ năm 2015.
“Cơ sở quân sự mới sẽ hỗ trợ thỏa thuận tăng cường quan hệ quốc phòng FPI (Force Posture Initiatives)”, Ngoại trưởng Marise Ann Payne nhắc tới thỏa thuận đạt được trong năm 2011 giữa Mỹ và Australia trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Anh Sky News ngày 29/7.
Ngoại trưởng Payne không nói rõ cơ sở hạ tầng quân sự mà Mỹ dự tính xây dựng là gì, song đầu tháng này truyền thông Australia đưa tin Washington đang lên kế hoạch cho một cảng biển mới ở gần Darwin – thủ phủ vùng Lãnh thổ phía Bắc Australia. Khu vực này vốn có sẵn một căn cứ luân phiên thường trú của binh sĩ Mỹ.
Trước đó vài tuần, hãng tin ABC trích nguồn một số quan chức quốc phòng và Chính phủ Australia cho biết cảng mới có thể tiếp nhận các tàu chiến đổ bộ cỡ lớn như tàu trực thăng đổ bộ. Các chuyên gia đánh giá cảng mới sẽ rất thuận tiện cho 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ và thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên.
Theo quy định thỏa thuận FPI, mỗi năm Mỹ sẽ điều động 2.500 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Australia tham gia huấn luyện và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung giữa lực lượng không quân hai nước.
“Cảng biển như một mắt xích còn thiếu trong nỗ lực hợp tác quân sự giữa Mỹ và Australia”, Euan Graham - Giám đốc chương trình an ninh quốc gia thuộc Đại học La Trobe, Australia cho biết.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Canberra đã từ chối bình luận về thông tin trên. Bộ Quốc phòng Australia cho biết họ sẽ chỉ nhận được kế hoạch cụ thể khi đề xuất được Quốc hội Mỹ thông qua.
Trong một báo cáo được công bố hồi tháng Năm, Lầu Năm Góc cho rằng sáng kiến "Vành đai,Con đường" của Trung Quốc có thể giúp hải quân Trung Quốc tiếp cận các cảng nước ngoài được chọn để đặt trước sự hỗ trợ hậu cần cần thiết nhằm duy trì việc triển khai hải quân ở vùng biển xa xôi như Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Trong khuôn khổ nỗ lực kìm hãm tầm ảnh hưởng ngày một mở rộng của Trung Quốc, cuối năm 2018, Mỹ và Australia công bố kế phát triển một căn cứ hải quân chung Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cùng lúc tăng cường các cuộc tập trận quân sự, gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.