Người phát ngôn trên nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng và theo đề nghị của Ba Lan, Tướng Tod Wolters, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã chỉ đạo cho quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi tái triển khai 2 khẩu đội Patriot tới Ba Lan.
Phía Mỹ cho rằng quyết định này sẽ cho phép chống lại mọi mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào Mỹ, các lực lượng đồng minh và lãnh thổ của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là một bước đi thận trọng nhằm bảo vệ lực lượng cũng như củng cố cam kết của Mỹ đối với Điều 5 của NATO và sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào. Điều 5 của NATO quy định về phản ứng tập thể trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều nước thành viên NATO.
Mặc dù vậy, Mỹ đã bác đề nghị của Ba Lan về việc chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo đến một căn cứ của Mỹ ở Đức để tăng cường lực lượng không quân của Ukraine. Lầu Năm Góc nhấn mạnh việc cử máy bay chiến đấu từ lãnh thổ các nước thành viên NATO đến khu vực xung đột ở Ukraine sẽ làm gia tăng quan ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh quân sự này. NATO từng tuyên bố không muốn xung đột trực tiếp với Nga.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland cho biết Washington đang xem xét những biện pháp hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine. Còn về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) ở Ukraine, bà Nuland nhận định điều đó sẽ đòi hỏi một quá trình chuẩn bị và huấn luyện lâu dài. Quan chức này cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu Moskva không giảm leo thang ở Ukraine.
Trước đó, trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo rằng việc các nước cung cấp sân bay cho Ukraine sử dụng với mục đích tấn công Nga có thể được coi là tham gia vào các hoạt động quân sự.