Theo kênh CNN, một số cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng vũ khí mới này trên thực tế làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột hạt nhân. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng John Rood ngày 4/2 phát biểu: “Hải quân Mỹ đã triển khai đầu đạn tên lửa đạn đạo hiệu suất thấp phóng từ tàu ngầm W76-2”.
Vũ khí mới này là phiên bản được hiện đại hóa từ đầu đạn W-76 hiện hành vốn được trang bị cho tên lửa phóng từ tàu ngầm Trident II (D-5). W76-2 được sản xuất lần đầu trong tháng 2/2019. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp (qui mô chiến thuật) có sức công phá gần 20 kiloton. Trong khi đó, bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945 cũng có sức công phá tương đương.
Bản đánh giá năng lực hạt nhân năm 2018 của chính quyền Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo rằng các đối thủ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhỏ hơn để chống lại Mỹ và đồng minh mà không lo sợ bị đáp trả bởi vũ khí của Washington chưa tương xứng.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết đã xuất hiện lời kêu gọi hiện đại hóa các đầu đạn hiện hành của Mỹ trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Mỗi tàu ngầm chỉ nên mang theo vài tên lửa mới này và chủ yếu trang bị tên lửa chiến lược tầm xa.
Theo kênh CNN, Nga được cho vẫn sở hữu lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến lược. Trong khi đó, Mỹ nắm trong tay bom hạt nhân chiến lược B61 nhưng được coi “yếu ớt” hơn so với vũ khí phóng từ tàu ngầm.
Ông Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết khác biệt nằm ở khả năng “tấn công vào mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối thủ mà chiến đấu cơ mang theo vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp chưa thể tiếp cận”.
Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 4/2 cho biết tàu ngầm là lựa chọn mang tính phản ứng nhanh hơn chiến đấu cơ. Tướng John Hyten nêu rõ: “Tàu ngầm có thể phản ứng ngay lập tức, trong khi đó với chiến đấu cơ bạn phải nạp vũ khí và bay tới địa điểm tấn công mục tiêu”.