Với việc Mỹ có chính quyền mới sau khi tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức, có vẻ như thời điểm thích hợp để hàn gắn mối quan hệ giữa các đồng minh NATO đã đến. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra lời kêu gọi xây dựng lại lòng tin đã mất, trong khi tân Tổng thống Joe Biden tuyên bố coi việc cài đặt lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra trong các ngày 17 và 18/2, với sự tham dự của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trở thành cơ hội để Washington và các đồng minh "gây dựng lại lòng tin đã mất". Mỹ muốn qua cuộc họp này để đưa ra thông điệp hoàn toàn khác so với thời nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump bằng cách nhấn mạnh cam kết của Washington với các đối tác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhanh chóng hứa hẹn rằng với sự thay đổi quyền lực trong Nhà Trắng, những ngày hành động đơn phương của Mỹ sẽ sớm kết thúc. Ông tái khẳng định thông điệp của Tổng thống Biden rằng Washington dự định khôi phục mối quan hệ với NATO và cam kết trong vấn đề phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiến chương NATO vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó đồng nghĩa với việc Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ xem xét lại quyết định của chính quyền tiền nhiệm về việc rút quân Mỹ khỏi Đức, điều vốn khiến các nước châu Âu lo ngại rằng Washington sẽ "bỏ mặc" các đồng minh NATO. Các đồng minh cần tham khảo ý kiến, quyết định và hành động cùng nhau là thông điệp mà Mỹ muốn nêu bật.
Trước cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ ủng hộ hoàn toàn NATO và vai trò truyền thống của Mỹ trong việc "bảo vệ châu Âu". Theo quan điểm của người đứng đầu Lầu Năm Góc, nước Mỹ sẽ xây dựng một lực lượng đáng tin cậy sẵn sàng hỗ trợ các nhiệm vụ ngoại giao khó khăn. Điều này cũng có nghĩa là hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Washington để đảm bảo lợi ích chung và thúc đẩy các giá trị chung ở nước ngoài.
Có thể nói rằng động thái của Mỹ đã phần nào "xoa dịu" được các đồng minh NATO đang thất vọng với những gì họ cho là "liên minh thất bại trong phối hợp về chính trị". Một thành viên trong đoàn tùy tùng của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết cuộc gặp đầu tiên với đại diện chính quyền mới của Mỹ "diễn ra rất tốt đẹp". Với việc các bộ trưởng thống nhất chưa rút quân khỏi Afghanistan, có thể thấy các nước NATO đã có được "tiếng nói chung" đầu tiên.
Phiên họp ngày 18/2 được xem là một bài sát hạch về sự hòa hợp giữa chính quyền mới tại Mỹ và các đồng minh châu Âu khi các bộ trưởng thảo luận về sứ mệnh quân sự của NATO ở Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã nhắc lại thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Trump đạt được với Taliban, quy định tất cả lực lượng quân đội nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan vào ngày 1/5/2021. Các nước NATO đã nhất trí không rút quân khỏi Afghanistan trước khi tới thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, đó cũng là vấn đề duy nhất mà NATO nhất trí. Các nội dung thảo luận khác, bao gồm các đề xuất cải cách NATO đầy tham vọng mà Tổng Thư ký Stoltenberg đưa ra, vẫn khiến một số nước thành viên hoài nghi.
Dù Washington đã đưa ra cam kết, không ít đồng minh của Mỹ vẫn lo ngại nguy cơ trọng tâm ngoại giao mà Tổng thống Biden sẽ đặt vào mối quan hệ đồng minh có thể chẳng đi đến đâu. Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện nay vẫn phức tạp khi số ca lây nhiễm của nước này chiếm 1/4 số ca lây nhiễm trên toàn thế giới. Do đó, nhiệm vụ trước tiên quan trọng nhất mà Tổng thống Biden cần làm là tìm mọi cách để đưa Mỹ vượt qua được cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Nói cách khác, chính quyền mới sẽ phải ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước hơn là các vấn đề đối ngoại.
Bên cạnh đó, bất chấp sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu, chính quyền mới của Mỹ dường như vẫn sẵn sàng duy trì lập trường trong việc hối thúc các thành viên khác hành động nhiều hơn nữa để chia sẻ gánh nặng tài chính và quân sự trong NATO. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết quan điểm về chia sẻ gánh nặng toàn cầu từ thời ông Trump sẽ không biến mất và nó sẽ vẫn là một ưu tiên. Có thể hiểu rằng Tổng thống Biden sẽ đưa ra giọng điệu "nhẹ nhàng" hơn so với người tiền nhiệm, nhưng vẫn sẽ không ngừng thúc đẩy các nước châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho việc đảm bảo an ninh cho châu Âu.
NATO đang tìm cách hàn gắn sự chia rẽ, nhưng một loạt thách thức vẫn hiện hữu, từ việc các quốc gia thành viên cần tăng chi cho quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đòi hỏi của Mỹ hay mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara ngày càng cứng rắn ở trong nước và mạnh tay can thiệp vào các điểm nóng ở Syria và Libya và không nhượng bộ trong việc mua hệ thống S-400 của Nga.
Có thể thấy cuộc khủng hoảng lòng tin trong nội bộ NATO đã trở nên nghiêm trọng sau 4 năm đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Trump, người luôn công kích và đưa ra những quan điểm cũng như hành động khó lường, gây xáo trộn chiến lược cho các đồng minh truyền thống. Giờ đây, Mỹ và bản thân Tổng thống Joe Biden tin rằng việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Washington trong NATO là điều cần thiết và khả thi, trong khi các nước châu Âu lại đang tính toán nhiều hơn về quyền tự chủ của mình. Hai mục tiêu này trên thực tế là điều không dễ để có thể dung hòa.