Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu. Đây là kết quả chính trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra ngày 24/6 tại Brussels, Bỉ.Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đã nhất trí tăng quyền cho Bộ tổng tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang thống nhất ở châu Âu nhằm nâng cao khả năng triển khai linh hoạt Lực lượng phản ứng của liên minh trong trường hợp xuất hiện xung đột.
Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong khuôn khổ chương trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng. Các bộ trưởng NATO cũng quyết định tăng quân số cho Lực lượng phản ứng lên 40.000 người từ mức 13.000 người hiện nay.
NATO trước cuối năm nay sẽ thành lập các bộ tham mưu ở 6 quốc gia Đông Âu, gồm Litva, Latvia, Estonia, Bulgaria, Romania và Ba Lan, với thành phần mỗi bộ tham mưu dự kiến gần 40 người.
Các bộ tham mưu này sẽ thực hiện nhiệm vụ phối hợp hành động và chỉ huy các lực lượng của NATO trong trường hợp triển khai quân đến các quốc gia Đông Âu, ví dụ khi tiến hành tập trận.
Theo Tổng Thư ký Stoltenberg, NATO cũng đã thông qua quyết định chuẩn bị đáp lại những tuyên bố về hạt nhân của Nga và những thách thức hiện nay từ phía Đông.
Trước đó, Nga công bố kế hoạch bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cho lực lượng hạt nhân chiến lược nước này, trong bối cảnh có nhiều thông tin cho biết Mỹ và NATO sẽ đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu và Baltic, hành động mà Moskva coi là đe dọa tới an ninh nước Nga.
Ngoài ra, ông Stoltenberg tuyên bố NATO không tìm kiếm sự đối đầu và chạy đua vũ trang với Nga, nhưng liên minh quân sự này chịu trách nhiệm về an ninh của các nước thành viên. NATO sẽ đáp trả tất cả những hành động của Nga tại phía Đông.
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cũng cho rằng mặc dù hợp tác quân sự giữa Nga và NATO đang bị đóng băng, song hai bên vẫn tiếp tục tiến hành đối thoại chính trị ở các cấp khác nhau.
Nhiều nước thành viên NATO vẫn tiếp tục đối thoại với Moskva về các vấn đề cấp thiết khác như tìm kiếm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Iran, giải quyết khủng hoảng tại Libya và Syria.