Tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" của Nga. |
Ngày 20/10, phát biểu tại trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Chúng tôi lo ngại rằng cụm tàu sân bay Nga sẽ tham gia hỗ trợ các chiến dịch quân sự tại Syria theo những cách khiến thêm nhiều người phải chịu đau khổ".
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần để ngỏ khả năng thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến những vụ không kích tại thành phố Aleppo.
Theo bình luận hôm 20/10 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), NATO) đang đứng trước nhiều câu hỏi ở tầm chiến lược trong bối cảnh Nga sẵn sàng triển khai lực lượng hải quân của nước này một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn. Thực tế này buộc các nước thành viên NATO cần phải tăng cường sức mạnh hải quân với nhiều cam kết dài hạn để đối phó với Nga.
Vừa qua, Nga đã triển khai tàu sân bay duy nhất mang tên "Đô đốc Kuznetsov" và một số tàu hộ tống tới phía Đông Địa Trung Hải. Đến thời điểm này, người ta mới nhìn thấy một vài máy bay chiến đấu Su-33 và MiG-29 trên boong tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov". Tuy nhiên, cụm tàu chiến đấu lại được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa 3M45 Granit, và có thể có tàu ngầm đi cùng.
Cụm tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch không kích của Nga ở Syria. Điều đáng nói là Nga ngày càng trở nên quyết đoán và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai lực lượng ra bên ngoài. Rõ ràng, Nga đang tìm cách duy trì sự hiện diện lâu dài ở phía Đông Địa Trung Hải, và trở thành đối trọng của NATO.
NATO sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến khả năng theo dõi và giám sát cụm tàu sân bay này. Bên cạnh đó, NATO sẽ phải đối phó như thế nào nếu Nga tiếp tục cách tiếp cận như hiện nay. Sẵn sàng triển khai lực lượng Hải quân, Nga muốn tạo ra những hiệu ứng chiến lược, ngăn chặn NATO và mở rộng ảnh hưởng.