Tuyên bố của NATO nêu rõ: "NATO sẽ đáp trả một cách thận trọng và có trách nhiệm với những nguy cơ đáng kể từ tên lửa 9M729 của Nga". NATO cũng cho biết khối này đã nhất trí một gói các biện pháp "cân bằng, phối hợp và phòng thủ" nhằm đảm bảo duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy và hiệu quả.
Phản ứng của NATO được đưa ra cùng ngày sau khi Nga thông báo chính thức chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Vào ngày 2/8/2019, với sự khởi đầu từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô cũ và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".
Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi INF từ ngày 2/8.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6/2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một sự đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.