Ông Stoltenberg tuyên bố động thái trên là một thông điệp rõ ràng gửi tới Nga trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt ở Ukraine.
Phát biểu tại Romania hôm 28/11 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày, ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong vòng một thế hệ, đồng thời nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết phải củng cố các khu vực có tầm quan trọng chiến lược để đáp trả chiến dịch quân sự của Moskva.
“Để đối phó với sự gây hấn của Nga, NATO đang tăng cường sự hiện diện từ vùng Baltic đến Biển Đen. Chúng tôi đã thành lập các nhóm tác chiến mới, trong đó có nhóm do Pháp đứng đầu tại Romania”, lãnh đạo NATO nói.
Khi được hỏi về thời điểm NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào liên minh, ông Stoltenberg đã bày tỏ sự tin tưởng rằng 30 thành viên của khối này sau cùng sẽ chấp thuận để hai nước trên gia nhập, nhưng không thể nói cụ thể khi nào điều đó sẽ xảy ra, vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn quyết định.
Người đứng đầu NATO lưu ý rằng hai quốc gia Bắc Âu đó sẽ giúp liên minh quân sự này củng cố sườn phía Đông, đặc biệt là vùng Baltic, nhờ tiềm lực quân sự tốt và được đào tạo bài bản.
Các ngoại trưởng NATO sẽ nhóm họp tại Romania trong ngày 29/11, nhằm tìm ra cách tăng cường hỗ trợ đối với Ukraine. Các quan chức cũng sẽ thảo luận về việc cung cấp các hệ thống phòng không mới cho Ukraine, huấn luyện binh lính cách sử dụng vũ khí, cũng như cung cấp phụ tùng thay thế và đạn dược.
Chính phủ Kiev đã nhận được hàng loạt vũ khí hạng nặng từ các đồng minh phương Tây, trong đó chỉ riêng Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 19 tỷ USD kể từ cuối tháng 2, với hàng chục Hệ thống Tên lửa pháo binh cơ động tầm xa (HIMARS), hơn 46.000 tên lửa chống tăng và gần 200 khẩu pháo. Washington và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược.