Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong cuộc họp báo, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết, trong năm vừa qua, NATO đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels với hơn 100 quyết định được đưa ra nhằm tăng cường khả năng răn đe và củng cố phòng thủ. Ông Stoltenberg cũng điểm lại cuộc tập trận lớn nhất của NATO mang tên "Trident Joped 2018" huy động khoảng 50.000 binh sĩ đến từ 29 quốc gia thành viên cùng hai nước Phần Lan và Thụy Điển.
Trong số các hoạt động của năm 2018, NATO đã khởi động nhiệm vụ huấn luyện mới tại Iraq nhằm giúp nước này ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác. Ngoài ra, NATO cũng đã tiến hành cuộc tập trận ứng phó thảm họa mang tên "Srbija 2018" tại Serbia, quy tụ khoảng 2.000 người tham gia đến từ gần 40 quốc gia. Tổ chức này cũng đã điều chuyển 4.000 nhân viên đến làm việc tại trụ sở mới hiện đại và thân thiện với môi trường hơn.
Báo cáo thường niên không chỉ điểm lại các hoạt động của NATO trong 12 tháng qua mà còn đề cập tới một loạt mục đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập tổ chức này. Báo cáo cũng bao gồm thông tin chi tiết về chi tiêu quốc phòng ước tính của 29 quốc gia thành viên NATO trong năm 2018. Trong năm qua, các nước thành viên đã chi gần 1.000 tỷ USD cho quốc phòng, trong đó 70% do Mỹ chi trả.
Báo cáo thường niên 2018 của NATO cho thấy liên minh quân sự này đã tiến gần hơn tới mục tiêu cam kết dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng mỗi năm, trong đó các đồng minh châu Âu đạt trung bình 1,51%, mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, tính riêng từng nước, chỉ có 7 trong số 29 quốc gia thành viên của NATO hoàn thành mục tiêu này. Cụ thể, ngoài Mỹ chỉ có 6 nước khác đáp ứng mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng gồm Anh, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva và Ba Lan. Kết quả này cải thiện hơn so với một năm trước đó nhưng dường như không đáp ứng mong đợi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng đe dọa sẽ rút khỏi NATO nếu các đồng minh châu Âu không nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang vấp phải sự chỉ trích khi một lần nữa không đạt được mức mục tiêu với chi tiêu quốc phòng của Berlin chỉ ở mức 1,23% GDP.
Hồi tháng 1 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tổng chi tiêu quốc phòng của khối này đang tăng lên và đến cuối năm 2020, ngân sách quốc phòng của các thành viên châu Âu của NATO sẽ bổ sung 100 tỷ USD so với thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức năm 2016.