Theo hãng thông tấn TASS, ông Konstantin Gavrilov, người đứng đầu phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở Vienna, đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc họp Diễn đàn OSCE về hợp tác an ninh hôm 13/12.
“Chúng tôi đã nghe thấy những bình luận rằng trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đường băng của Ukraine bị phá hủy đáng kể, những chiếc chiến đấu cơ F-16 được bàn giao cho Ukraine có thể thực hiện nhiệm vụ từ các căn cứ không quân ở Ba Lan, Romania và Slovakia”, ông Gavrilov nói.
Theo nhà ngoại giao này, Moskva sẽ coi đây là sự tham gia của các nước này vào cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ buộc Nga phải sử dụng các biện pháp đáp trả.
Cho đến nay, bốn quốc gia gồm Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ đồng ý cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine giúp tăng cường lực lượng không quân của nước này.
Hồi tháng 9, các quan chức giấu tên cho biết một nhóm phi công Ukraine đến Mỹ đã trải qua khóa đào tạo ngôn ngữ tại căn cứ không quân Lackland ở Texas. Sau đó, nhóm này đã đến căn cứ không quân ở Arizona, nơi sẽ diễn ra khóa huấn luyện bay trực tiếp trên máy bay chiến đấu F-16.
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ 4 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Chiến đấu cơ này có thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
F-16 được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 với tầm bay khoảng 4.200 km.
Chiến đấu cơ này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.