Theo Bộ trưởng Shoigu, một cuộc thị sát gần đây tại Quân khu miền Nam cho thấy các lực lượng quân sự của Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, bao gồm cả phương án đối đầu với các lực lượng nước ngoài. Ông cũng tuyên bố Nga sẽ tăng cường năng lực chiến đấu của các lực lượng quân sự thông qua các cuộc huấn luyện cường độ cao và cung cấp cho họ thêm nhiều loại vũ khí mới hiệu quả hơn.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng chỉ trích các cáo buộc chống nước này đã dẫn tới sự gia tăng số lượng binh lính NATO đồn trú tại vùng Baltic, Ba Lan, Romania và Bulgaria từ 2.000 lên 15.000 quân kể từ năm 2015 và thậm chí tăng lên 40.000 - 60.000 binh lính trong giai đoạn NATO tiến hành các cuộc tập trận. Sự gia tăng đáng kể này xuất phát từ tâm lý kích động của Ba Lan và các nước Baltic khi tưởng tượng ra những kế hoạch không có thật về sự khiêu khích của Nga.
Để tạo điều kiện cho việc luân chuyển binh lính, NATO đang tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải trong khi đơn giản hóa các thủ tục xuất - nhập cảnh, và đã quyết định thành lập hai bộ tư lệnh mới chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc hàng hải tại Bắc Đại Tây Dương. Bộ trưởng Shoigu cho biết NATO cũng lên kế hoạch tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu với 30 tiểu đoàn, 30 phi đội máy bay và 30 tàu chiến trước năm 2020.
Về phần Bán đảo Crimea, Bộ trưởng Shoigu cứng rắn tuyên bố lực lượng quân sự Nga triển khai tại vùng lãnh thổ này sẽ "không cho phép bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào có cơ hội dù là nhỏ nhất chiếm lại vùng đất có nguồn gốc là của Nga này". Bộ trưởng Shoigu cho biết thêm Bộ Quốc phòng Nga đã thiết lập và hiện đang hoàn thiện một lực lượng tinh nhuệ với thành phần là những binh sĩ ưu tú đến từ các đơn vị khác nhau trong quân đội.
Ngoài ra, Bộ trưởng Shoigu cũng đặc biệt chỉ trích chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania hồi năm 2016 và có kế hoạch tương tự tại Ba Lan sẽ "làm suy yếu sự ổn định khu vực".
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Nga chỉ trích các hoạt động quân sự của NATO ở khu vực gần biên giới, trong bối cảnh Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko đã một lần nữa đề cập đến việc giới chức nước gần đây chia sẻ việc các tướng lĩnh trong NATO đang cố tìm cách dựng lên hình ảnh một nước Nga thù địch, gây hoang mang và lo sợ trong khu vực, từ đó lấy cớ đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Nga.