Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó ngày 20/7, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite cho rằng cần phải triển khai thường trực nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ tại Baltic, vì nó sẽ giúp đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Vụ trưởng Vụ các vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov nhấn mạnh rằng những lời lẽ của bà Grybauskaite cho thấy Vilnius tiếp tục theo đuổi chính sách “leo thang căng thẳng và tăng cường vũ trang”, thậm chí bằng các loại vũ khí của nước thứ ba, ngay sát biên giới của Nga.
Theo ông Ulyanov, động thái này không thể giúp củng cố an ninh khu vực Baltic, bao gồm cả an ninh của Litva. Hơn nữa, Vilnius đang đi ngược lại với chính sách của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), vốn đang rất lo ngại trước những khuynh hướng nguy hiểm xuất hiện tại châu Âu do việc Mỹ xây dựng các cơ sở hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Romania gây ra.
Ông Ulyanov nhấn mạnh, nhằm củng cố và tăng cường an ninh trong khu vực, nhiều nước châu Âu mong muốn tăng cường đối thoại với Nga, song Litva lại đi theo con đường “gia tăng đối đầu quân sự”.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Mỹ đã thông qua việc bán 7 hệ thống Patriot trị giá 3,9 tỉ USD cho Romania. Ba Lan cho biết cũng đã ký bản ghi nhớ với Mỹ về việc mua các hệ thống Patriot. Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7/2016 tại Warsaw, Ba Lan, đã thông qua quyết định về việc “củng cố sườn phía Đông” của khối này.
Để thực hiện kế hoạch này NATO dự định triển khai tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan các tiểu đoàn quốc tế. Các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Đức chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ này.
Moskva nhiều lần khẳng định rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công bất cứ thành viên nào của NATO. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, NATO hiểu rất rõ điều này và chỉ lấy cớ để triển khai quân nhiều hơn tại khu vực giáp biên giới Nga.