Ông Poznikhir cũng cho biết Mỹ tích cực làm việc trên mặt trận ngoại giao để thiết lập hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm và hệ thống chống tên lửa đánh chặn trong khu vực.
"Tiềm năng tấn công của Mỹ đang tăng lên. Nước này đang tính toán đến khả năng triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung trên lãnh thổ của các quốc gia châu Á, trước tiên là tại Nhật Bản”, Phó Tổng cục trưởng Viktor Poznikhir phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế tổ chức tại Moskva ngày 16/8.
Cho rằng Mỹ đang tìm cách phá hủy cấu trúc an ninh của khu vực, Trung tướng Poznikhir nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch tạo ra ranh giới phân chia mới trong khu vực theo những gì Washington đã làm và Nga vẫn sẵn sàng hợp tác với các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương.
Theo thông tin của Bộ Tổng tham mưu Nga, Mỹ đang chuẩn bị triển khai hai lữ đoàn mới đến Tây Thái Bình Dương vào năm 2028. Các lực lượng này được trang bị vũ khí tấn công tầm xa, bao gồm tên lửa siêu vượt âm có tầm bắn lên tới 5.500 km.
“Họ sẽ có thể đánh bại các mục tiêu quan trọng ở Viễn Đông và trở thành mối đe dọa đối với an ninh Liên bang Nga. Một sân bay và kho chứa vũ khí hạt nhân trong khu vực đảo Iwo Jima của Nhật Bản đang được coi là cơ sở tiềm năng cho các tên lửa tầm trung của Mỹ”, Trung tướng Poznikhir nêu rõ.
Phó Tổng tham mưu trưởng cũng chỉ ra những nỗ lực của Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa - lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng mà Washington đã đầu tư hàng tỷ USD sau khi hủy bỏ Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo (ABM) với Nga vào năm 2002.
"Washington đang tích cực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở khu vực Thái Bình Dương. Về phần mình, Tokyo cũng đang nhanh chóng tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Việc Washington triển khai các kế hoạch này đang dẫn đến tình hình mất ổn định, làm leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời khuyến khích xây dựng tiềm lực tên lửa của các quốc gia khác, cuối cùng dẫn đến cuộc đua vũ trang không kiểm soát”, ông Poznikhir cảnh báo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lên tiếng phản đối liên minh AUKUS giữa Mỹ, Australia và Anh. Quan chức này cho rằng liên minh có tiềm năng phát triển thành một khối chính trị - quân sự phối hợp với NATO và chuyển giao quy hoạch, đào tạo hạt nhân chung cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
"Việc chuyển giao hoạt động huấn luyện hạt nhân từ châu Âu sẽ khiến châu Á – Thái Bình Dương nổ tung. Đây có thể là mục tiêu mà Mỹ đã đặt ra”, Bộ trưởng Shoigu phát biểu tại hội nghị an ninh.
Cùng ngày, Không quân Mỹ đã báo cáo về vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III từ căn cứ lực lượng không gian Vanderberg, bang California. Theo lực lượng không quân Mỹ, vụ thử được tiến hành để chứng minh mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân Mỹ và tạo niềm tin về khả năng sát thương cũng như hiệu quả của biện pháp răn đe hạt nhân quốc gia.