Trả lời hãng thông tấn TASS, ông Nikita Khamitov, trưởng dự án nghiên cứu tại ZALA Aero cho biết chiếc máy bay mang tên ZALA 421-16E5G được dùng cho mục đích trinh sát. Ông tuyên bố: “Chúng tôi là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện trên dòng máy bay không người lái này”.
Theo giải thích của ông Khamitov, với động cơ lai hybrid, khi bay, động cơ đốt trong không tạo ra sức kéo, mà cung cấp năng lượng cho máy phát điện và pin. Nó giúp cung cấp năng lượng cho toàn bộ các thiết bị trên máy bay, bao gồm cả động cơ điện.
Ngoài ra, máy phát điện hybrid còn giúp tăng thời lượng bay của máy bay không người lái so với những thiết bị bay không người lái tương tự. Ông Khamitov nhấn mạnh: “Nhờ kế hoạch này, chúng tôi đã đạt được thời gian bay hơn 16 giờ và có thể giám sát đối tượng cần theo dõi ở chế độ hoàn toàn im lặng”.
ZALA Aero đã bắt tay vào sản xuất hàng loạt loại máy bay không người lái này và nhận được đơn đặt hàng đầu tiên. Công ty này có thể sản xuất 300 máy bay không người lái nhiều chủng loại mỗi năm.
Chiếc máy bay này có thể mang theo thiết bị nhận biết mục tiêu, chuyển tiếp thông tin và hệ thống giám sát mạng di động 2G, 3G và 4G. Nó có thể tiến hành trinh sát kỹ thuật vô tuyến trong khu vực để xác định vị trí các thiết bị di động và truyền tải thông tin đi xa vài chục km.
Trưởng dự án Nikita Khamitov cho biết máy bay không người lái ZALA 421-16E5G được trang bị phần mềm dựa trên mạng lưới thần kinh và trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống giải mã đầy đủ địa hình với sự trợ giúp từ mạng lưới thần kinh cài đặt ngay trên máy bay không người lái này. Sau khi chuyến bay hoàn thành, chúng tôi có được thông tin đầy đủ về số lượng vật thể trong khu vực quan tâm và nó thậm chí có thể xác định những thay đổi về đặc điểm địa hình”, ông Khamitov cho biết.
ZALA 421-16E5G còn được trang bị trí tuệ nhân tạo giúp giải mã và xác định các đối tượng, đồng thời cung cấp điều hướng video chưa được thực hiện ở bất kỳ nơi nào tại Nga cho đến nay.