RIA Novosti vào ngày 25/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết T-14 Armata đã được trang bị thêm lớp bảo vệ bổ sung ở bên thân xe. Bên cạnh đó, các thành viên tổ lái đã trải qua quá trình “phối hợp chiến đấu” tại các cơ sở huấn luyện.
Theo RIA Novosti, xe tăng T-14 Armata có tháp pháo điều khiển tự động. Các thành viên tổ lái xe tăng này “sẽ ở trong một khoang bọc thép biệt lập ở phía trước thân xe ”. Tờ Popular Mechanics cho biết chiếc T-14 Armata được trang bị tên lửa chống tăng và pháo cỡ nòng 125mm.
Xe tăng T-14 có tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 80 km/giờ. RIA Novosti cho biết Nga đã sử dụng T-14 Armata để tấn công vào các vị trí của Ukraine nhưng xe thiết giáp này “chưa tham gia vào chiến dịch tấn công trực tiếp”.
Siêu tăng T-14 Armata của Nga được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá là một trong bốn xe tăng uy lực nhất thế giới, bên cạnh xe tăng Leopard 2 A7+ của Đức, M1 Abrams của Mỹ, K2 Black Panther của Hàn Quốc. Công ty sản xuất và nghiên cứu Uralvagonzavod đã phải mất 5 năm để chế tạo và sản xuất mẫu T-14 Armata đầu tiên.
T-14 lần đầu được ra mắt vào năm 2015. Điện Kremlin đã yêu cầu đến năm 2020 sản xuất 2.300 xe T-14 Armata. Tuy nhiên, truyền thông Nga cho biết thời hạn này được kéo dài đến năm 2025.
Trong thời gian qua, các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) đã cam kết gửi xe tăng chiến trường đến Ukraine, như M1 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức) và Challenger 2 (Anh).