Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva kêu gọi tất cả các bên (ở Liyba) ngừng các hành động có thể gây thêm đổ máu cho người dân vô tội. Trong khi đó, phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moskva đang liên hệ với tất cả các bên trong cuộc xung đột và kêu gọi về một giải pháp chính trị.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Libya cũng như các phe phái đối địch tại Libya quay trở lại các cuộc đàm phán chính trị.
Phát biểu tại Luxembourg, bà Mogherini khẳng định thông điệp của châu Âu là kêu gọi (các bên ở Libya) "thực thi đầy đủ một lệnh ngừng bắn nhân đạo... và tránh bất kỳ hành động gây leo thang quân sự, từ đó quay trở lại đàm phán". Bà cho biết các bộ trưởng EU nhất trí trong việc nhắc lại lời kêu gọi của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), theo đó thủ lĩnh LNA Khalifa Haftar phải ngừng tiến quân về thủ đô Tripoli. Theo bà Mogherini, trong hội nghị thường kỳ sắp diễn ra ở Luxembourg, các ngoại trưởng EU sẽ ủng hộ thông điệp này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn khẳng định "EU phải làm mọi cách ngăn chặn chiến dịch để không xảy ra nội chiến tại Libya". Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao Pháp khẳng định việc cần làm trước mắt tại Libya là "bảo vệ dân thường, chấm dứt giao tranh và đưa các bên chủ chốt tại Libya trở lại bàn đàm phán".
Trước đó, ngày 7/4, Bộ Y tế Libya đã cập nhật thông tin mới nhất về con số thương vong trong các vụ giao tranh ác liệt ở khu vực phía Nam thủ đô Tripoli kể từ khi Tướng Khalifa Haftar bắt đầu tiến hành cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli hôm 4/4, theo đó đã có ít nhất 32 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.
Lybia hiện vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chế độ của nhà độc tài Moamer Gadhafi. Tại đây đang tồn tại hai chính quyền ở miền Đông và miền Tây, với các lực lượng vũ trang riêng. Cụ thể, LNA trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền miền Đông đối trọng lại với GNA ở miền Tây do LHQ hậu thuẫn. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Hiện tại, GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô.