Phát biểu trên một chương trình truyền hình, Ngoại trưởng Nga cho biết START-3 và INF là những văn kiện cơ bản làm cơ sở cho quan hệ giữa Nga và Mỹ. Hai hiệp ước là đề tài của các cuộc gặp thường xuyên và cả hai phía cùng giám sát thực hiện. Tuy nhiên, cả hai hiệp ước còn tồn tại một số điểm vướng mắc và Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ về những bất đồng này.
Theo ông Lavrov, Nga yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể khi cáo buộc Nga phá vỡ hiệp ước INF. Đồng thời, Nga cũng đưa ra “những bằng chứng hết sức cụ thể", liên quan tới các cuộc tập trận của Mỹ ở châu Âu, Romania và sắp tới ở Ba Lan, nơi Mỹ có thể phóng tên lửa đánh chặn và tên lửa hành trình Tomahawk. Đồng thời, phía Nga cũng đặt câu hỏi với Mỹ về việc thực hiện một số điều khoản của START-3.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh ý nghĩa của START-3, bởi hiệp ước này có cơ chế gọi là ủy ban kiểm soát song phương, trong đó hai bên có thể thường xuyên gặp mặt, thảo luận các vấn đề mà mỗi bên muốn làm rõ.
Theo START- 3 được Nga và Mỹ ký ngày 8/4/2010, đến tháng 2/2018, kho vũ khí của mỗi bên phải giới hạn ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay ném bom hạng nặng và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Thỏa thuận bắt buộc hai bên trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và vũ khí hai lần trong năm. Hiệp ước có hiệu lực đến ngày 5/2/2021, trừ khi được thay thế bằng một thoả thuận khác. START-3 có thể được gia hạn thêm 5 năm (tức là tới năm 2026) theo sự nhất trí của các bên.
Trong khi đó, Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Các bên cam kết sẽ không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km). Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF, hai bên cáo buộc nhau phá vỡ thoả thuận.