Ba tên lửa RSD 10 từ thời Xô-viết chuẩn bị được tiêu hủy tại bãi phóng vệ tinh Kapustin Yar theo điều khoản của Hiệp ước INF. Ảnh: SPUTNIK/TTXVN |
Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga, cho biết biện pháp đối phó phù hợp sẽ được chuẩn bị nhằm đảm bảo an ninh của Nga, bao gồm khả năng sử dụng các hệ thống phòng không của nước này.
Quan chức này nêu rõ: “Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, chắc chắn Nga sẽ tiến hành các biện pháp cụ thể với việc chế tạo các vũ khí tương tự liên quan tới các tên lửa tầm ngắn và tầm trung với tầm bắn lên tới 1.500 km”.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi Thượng viện Mỹ ngày 18/9 thông qua một chính sách quốc phòng mới cho phép Bộ Quốc phòng bắt đầu phát triển một tên lửa hành trình mới với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Hiệp ước INF được ký năm 1987. Nội dung chính của văn kiện này là cấm các bên tham gia phát triển, triển khai hoặc thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đã có khoảng 2.700 tên lửa tầm trung đã bị tiêu hủy sau khi INF có hiệu lực. Lâu nay, Moskva và Washington luôn cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.