Phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Afghanistan-Nga, ông Lavrov khẳng định: "Nga chắc chắn rằng không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Afghanistan. Cách khả thi duy nhất là đạt được hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao".
Ông Lavrov cho biết Nga ủng hộ việc rút quân đội nước ngoài hoàn toàn khỏi Afghanistan. Phía Nga kêu gọi tất cả các bên tại Afghanistan bắt đầu các cuộc đàm phán với sự tham gia rộng rãi của các lực lượng chính trị, xã hội càng sớm càng tốt.
Trong hai ngày 28 và 29/5 tại Moskva dự kiến sẽ diễn ra cuộc gặp giữa phái đoàn gồm các chính trị gia Afghanistan với các đại diện của Taliban. Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết một phái đoàn gồm 14 thành viên do lãnh đạo hàng đầu của Taliban, ông Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu đã có mặt tại Moskva.
Về phía Afghanistan, cựu Tổng thống Hamid Karzai dự kiến cũng sẽ có mặt tại hội nghị. Người phát ngôn của cựu Tổng thống Karzai, ông Yousof Saha nhận định rằng phái đoàn Afghanistan và Taliban có thể sẽ có các cuộc gặp không chính thức bên lề. Bên cạnh đó, Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan, cũng cử đại diện tham dự.
Các cuộc đàm phán này sẽ đánh dấu lần thứ hai các nhà lãnh đạo Taliban gặp gỡ các nhà lãnh đạo đối lập Afghanistan tại Nga, sau một hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi diễn ra hồi tháng 2/2019. Việc không có đại diện nào của chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tham dự các cuộc đàm phán không chính thức này làm dấy lên quan ngại rằng ông Ghani sẽ bị gạt ra hơn nữa khỏi tiến trình hòa bình hiện nay.
Moskva đang giành được ảnh hưởng lớn trong các tiến trình đang diễn ra ở Afghanistan, sau khi Mỹ tuyên bố hồi tháng trước rằng Washington đã đạt được sự đồng thuận với Trung Quốc và Nga về công thức chính cho thỏa thuận hòa bình mà họ đang đàm phán tại Afghanistan. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng đã công bố kế hoạch rút khoảng 7.000 binh sĩ, tương đương một nửa số binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan.