Đài BBC (Anh) cho biết Suresh Bhichar đã mang theo quốc kỳ Ấn Độ trong hành trình dài 350 km. Anh bày tỏ “đam mê” được theo con đường binh nghiệp nhưng việc tuyển quân đã đóng băng trong 2 năm trong khi các ứng viên bắt đầu “có tuổi”. Độ tuổi tối đa để nhập ngũ tại Ấn Độ là 21.
Với 1,4 triệu quân nhân, Ấn Độ là một trong những quốc gia có lực lượng hùng hậu hàng đầu thế giới. Trong quan niệm của nhiều thanh niên Ấn Độ, nhập ngũ đồng nghĩa với có công việc an toàn và được thèm muốn. Mỗi năm, có khoảng 60.000 quân nhân về hưu và quân đội Ấn Độ tổ chức 100 cuộc tuyển quân để tìm người thay thế. Nhưng các quan chức Ấn Độ cho biết việc tuyển quân bị gián đoạn 2 năm qua bởi dịch COVID-19.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đây không phải lý do duy nhất. Họ đánh giá chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách để giảm lực lượng.
Một trong những lý do được đưa ra là lương trả cho quân nhân tại ngũ và lương hưu dành cho quân nhân về hưu đã chiếm hơn nửa ngân sách quốc phòng 70 tỷ USD. Do vậy, không còn nhiều chi phí dành cho hiện đại hóa quân đội và bù đắp tình trạng thiếu hụt thiết bị.
Giáo sư Laxman Kumar Behera tại Đại học Jawaharlal Nehru lấy Trung Quốc làm ví dụ so sánh với Ấn Độ. Theo đó, Bắc Kinh chỉ chi chưa đầy 1/3 ngân sách quốc phòng cho nhân sự trong khi Ấn Độ dùng tới 60%. Do đó, ông Laxman Kumar Behera cho rằng cách để đối trọng với Trung Quốc là “tập trung hơn vào hiện đại hóa công nghệ” đổi lại cho việc cắt giảm lực lượng.
Ấn Độ là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ cùng Trung Quốc. Nước này đồng thời giữ vị trí nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Ấn Độ còn sở hữu đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thủ tướng Modi là người ủng hộ cải cách. Ông từng nói về “việc cần những lực lượng nhanh nhẹn, cơ động và được điều khiển bởi công nghệ, không chỉ là sự dũng cảm của con người”. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nói rằng nước này cần sở hữu năng lực “chiến thắng cuộc chiến chóng vánh bởi chúng ta sẽ không rơi vào các cuộc chiến kéo dài”.
Theo BBC, chính phủ của Thủ tướng Modi đang chi hàng tỷ USD đẩy mạnh sản xuất vũ khí nội địa. Một số nguồn thạo tin cho biết chính phủ Ấn Độ cũng trong quá trình cân nhắc đề xuất tuyển lính nghĩa vụ 3 năm.
Ông Anit Mukherjee tại trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore cho rằng đề xuất về “3 năm nghĩa vụ” dựa quá nhiều vào giả thiết liên quan đến động cơ của những người đăng ký và "nghiêm trọng hơn là gây rủi ro suy yếu quân đội khi thay thế lính chuyên nghiệp bằng lính ngắn hạn, nhất thời".
Trong một bài bình luận gần đây trên tờ ThePrint, Tướng về hưu HS Panag cho biết sự thiếu hụt hơn 100.000 nhân sự hiện nay là cơ hội để mang lại cải cách. Trước đó, trong phát biểu trước quốc hội ngày 22/3, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh tính đến tháng 12/2021, quân đội nước này đang thiếu hụt 102.955 nhân sự.
Theo Tướng Panag, Ấn Độ sở hữu quân đội quy mô nhưng buộc phải dùng “số lượng bù đắp chất lượng”. Ông cho rằng với vị trí là một nền kinh tế đang phát triển, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ "không thể tăng theo cấp số nhân" và do đó nước này cần phải cắt giảm lực lượng.
Ông nhấn mạnh: “Các lực lượng của thế kỷ 21 đòi hỏi có phản ứng nhanh chóng từ lực lượng vũ trang được hỗ trợ bởi công nghệ quân sự hiện đại”.
Nhưng vẫn có những e ngại về việc liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để Ấn Độ bắt đầu giảm quân số hay không. Hàng chục nghìn binh sĩ Ấn Độ vẫn tập trung ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều nhiều lần cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ. Bắc Kinh và New Delhi đã tìm cách giảm căng thẳng tại biên giới.
Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở khu vực biên giới.