Nhật Bản và Mỹ có kế hoạch cải tạo khoảng 160 hécta mặt bằng tại khu vực Henoko ở thành phố Nago trên đảo Okinawa để di dời căn cứ không quân Futenma của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát hiện nền đất yếu tại một số vùng ở ngoài khơi Henoko.
Các quan chức Nhật Bản cho biết việc gia hạn kế hoạch xây dựng cơ sở để di dời căn cứ Futenma là không thể tránh khỏi vì cần có thêm thời gian gia cố đáy biển ở một số khu vực không ổn định. Với quyết định này, nhiều khả năng việc trả lại cho Chính phủ Nhật Bản khu đất hiện được sử dụng làm căn cứ Futenma ở khu vực dân cư đông đúc Ginowan sẽ không diễn ra trong "tài khóa 2022 hoặc sau đó", như Tokyo và Washington đã nhất trí hồi tháng 4/2013. Hai nước đã ước tính sẽ cần 3 năm để hoàn tất xây dựng cơ sở mới sau khi hoàn thành công tác cải tạo nền đất, vì vậy việc trao trả khu đất nói trên có thể sẽ diễn ra sau năm 2030.
Trên cơ sở ước tính mới, dự kiến chính phủ sẽ thương lượng để chính quyền tỉnh Okinawa thông qua những điều chỉnh trong kế hoạch xây dựng nói trên. Nếu đàm phán giữa chính quyền trung ương và địa phương bế tắc, việc trao trả đất có thể bị trì hoãn hơn nữa. Ngoài ra, giới chức Nhật Bản ước tính kinh phí để tái bố trí căn cứ Futenma có thể lên tới ít nhất 350 tỷ yen (3,2 tỷ USD).
Okinawa là nơi đặt phần lớn các cơ sở quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và khoảng 50% trong số 50.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật Bản đóng quân tại đây. Người dân Okinawa muốn di dời căn cứ Futenma ra khỏi hòn đảo này. Ngoài những tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng việc xây dựng căn cứ và các hoạt động quân sự sẽ gây nguy hại đối với các rạn san hô và các loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản khẳng định kế hoạch di dời căn cứ Futenma từ Ginowan đến Henoko là "giải pháp duy nhất", theo đó có thể loại bỏ các nguy cơ từ căn cứ này mà không làm suy yếu sự răn đe của liên minh an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ.