Nhật Bản khẳng định quan điểm nhất quán về duy trì chủ nghĩa hòa bình

Duy trì chủ nghĩa hòa bình là quan điểm nhất quán của Chính phủ Nhật Bản. Đây là lời khẳng định của các quan chức Văn phòng Nội các Nhật Bản sau khi quốc gia này nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.  

Trước đó, vào ngày 22/12/2023, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về chuyển giao thiết bị quốc phòng, mở ra cơ hội để nước này có thể xuất khẩu vũ khí, trang bị sản xuất trong nước đến những quốc gia có hợp tác an ninh với Nhật Bản. Một quan chức Văn phòng Nội các nhấn mạnh động thái này không đồng nghĩa với việc Nhật Bản từ bỏ chủ nghĩa hòa bình tích cực, mà ngược lại sẽ góp phần thúc đẩy những đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn lời các quan chức trên cho biết Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đòi hỏi quốc gia Đông Bắc Á này phải tăng cường hợp tác với đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng trong khuôn khổ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền. Theo đó, “Ba nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” sau khi sửa đổi sẽ là nền tảng để Nhật Bản đóng góp tích cực hơn vào việc duy trì hòa bình trên thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế, còn gọi là “hợp tác hòa bình”, bao gồm cứu trợ thiên tai khẩn cấp, hỗ trợ nhân đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khủng bố và cướp biển, hỗ trợ các nước đối tác nâng cao năng lực đảm bảo an ninh trên biển.

Từ một góc độ khác, việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí, trang bị quốc phòng của Nhật Bản cũng tác động đáng kể đến tình hình an ninh, xã hội, kinh tế và nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Dựa trên quan điểm này, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý với tư cách là quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, vừa phát huy tính ưu việt về mặt công nghệ của Nhật Bản, đồng thời cũng tuân thủ triết lý cơ bản của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Việc chuyển giao sẽ không thể thực hiện nếu bị đánh giá là vi phạm nghĩa vụ dựa trên các các điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế mà Nhật Bản đã ký kết, vi phạm các nghĩa vụ theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc chuyển giao đến một bên đang liên quan trực tiếp đến xung đột vũ trang.

Ngoài ra, chính phủ nước tiếp nhận phải có những cam kết tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận song phương với Nhật Bản nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích mà hai bên đã thống nhất. Trường hợp sử dụng ngoài mục đích đó hoặc chuyển giao đến bên thứ ba phải có sự đồng ý của Nhật Bản và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Nhật Bản khẳng định thực hiện những cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường hơn nữa đối với hệ thống quản lý xuất khẩu vũ khí quốc tế và thực hiện hiệu quả Hiệp ước buôn bán vũ khí, đặc biệt là đối với quản lý các công nghệ và thiết bị đa dụng cũng như thiết bị quốc phòng. Nhật Bản tin tưởng điều này sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế dựa trên lập trường của chủ nghĩa hòa bình tích cực mà Nhật Bản vẫn đang kiên trì theo đuổi.

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân (TTXVN)
Xuất khẩu vũ khí của Đức đạt mức cao kỷ lục
Xuất khẩu vũ khí của Đức đạt mức cao kỷ lục

Theo phóng viên TTXVN Berlin, xuất khẩu vũ khí của Đức đã đạt mức kỷ lục mới trong năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN