Theo Bloomberg ngày 3/10, Israel đã đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh nhu cầu về lĩnh vực này tăng lên đáng kể sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nguồn tin trên dẫn dữ liệu do Bộ Quốc phòng Israel cung cấp cho biết nước này đã chấp thuận yêu cầu của 61 quốc gia về việc mua nhiều loại vũ khí, đạn dược do Israel sản xuất, trong khi năm 2020 con số này là 42 quốc gia. Đặc biệt, 56 giấy phép xuất khẩu máy bay không người lái đã được cấp, so với 40 giấy phép cách đây 2 năm. Ngoài ra, 83 giấy phép mua sắm trong lĩnh vực mạng và tình báo riêng biệt đã được cấp, so với 67 giấy phép vào năm 2020.
Chính phủ Israel không tiết lộ những quốc gia nào đã được cấp phép mua sản phẩm quốc phòng. Nhưng những sự kiện mới nhất cho thấy Đức nằm trong số những người mua hàng lớn của Israel. Tuần trước, Israel đã ký thỏa thuận xuất khẩu quân sự lớn nhất từ trước đến nay để cung cấp cho Đức hệ thống phòng không Arrow 3 trị giá 4 tỷ USD.
Như Bloomberg lưu ý, nhu cầu về vũ khí của Israel tăng lên đáng chú ý là do cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng Israel không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có doanh số bán quân sự gần đây tăng lên. Xuất khẩu máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng trưởng đều đặn, mang lại cho nước này ảnh hưởng chính trị lớn hơn ở Trung Đông và xa hơn nữa.
Trong khi đó, Israel đến nay cơ bản vẫn từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo Thủ tướng Israel Netanyahu, có hai lý do dẫn đến điều này. Thứ nhất, Israel có “biên giới quân sự” gần với Nga ở Syria, và thứ hai, Israel lo ngại vũ khí của mình sẽ trở thành chiến lợi phẩm của Nga và rơi vào tay Iran, đối thủ chính của nước này.
Tuy nhiên, Israel cũng đã cung cấp một số viện trợ có giới hạn cho Ukraine. Vào tháng 5, Ukraine đã nhận được các radar RADA, do công ty RADA Electronic Industries của Israel sản xuất. Chúng sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Việc chuyển giao các thiết bị như vậy cần có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng Israel.