Kênh CNN của Mỹ đã chỉ ra 5 điều cần biết trong chiến lược mới của Nhà Trắng:
An ninh kinh tế là nền tảng
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền ông Trump tập trung chủ yếu vào mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước khác, biện luận rằng an ninh kinh tế Mỹ là nền tảng của an ninh quốc gia.
Văn kiện trên làm rõ: “Nước Mỹ trên hết” không chỉ là một câu khẩu hiệu trong chiến dịch của ông Trump mà còn là một động lực dẫn đường cho hoạch địch chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược của ông chủ Nhà Trắng đã nhấn mạnh sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với các nước khác và mối đe doạ “xâm lược kinh tế” từ các nước như Trung Quốc là những lo ngại an ninh quốc gia chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 12. Ảnh: AFP |
Văn kiện chiến lược vốn đòi hỏi sự ủy quyền của Quốc hội này phản ánh những chú trọng của nhà lãnh đạo Mỹ trong thương mại kể từ khi nắm quyền, và trong khi nó không hề đe dọa đến việc sử dụng thuế quan như ông Trump đã làm, nó làm rõ Mỹ sẽ đảm bảo thương mại “công bằng và đôi bên cùng có lợi”.
"Mỹ sẽ không còn làm ngơ trước những hành vi vi phạm, gian lận hoặc xâm lược kinh tế", văn kiện nêu rõ. Bài phát biểu của ông Trump là một bài trình bày khác thường về chiến lược an ninh quốc gia. Ông sử dụng nó làm một cơ hội để chào đón một nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ và những thành công khác của ông trong năm đầu tiên nhậm chức.
Nga và Trung Quốc là “cường quốc đối địch”
Chiến lược an ninh của chính quyền Trump liên tục tập trung chú ý vào Trung Quốc và Nga là hai quốc gia “thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và thịnh vượng Mỹ”. Trong phát biểu của mình, ông Trump đều nhắc đến hai quốc gia này là “các cường quốc đối địch”.
Trung Quốc vẫn là một mục tiêu chính mà Nhà Trắng chú trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia. Và chiến lược của ông Trump đã nhiều lần chỉ ra những hành vi thương mại gian dối của các đối tác Trung Quốc, chẳng hạn như đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.
Chiến lược an ninh của Tổng thống Mỹ thứ 45 còn đi xa hơn khi ông công khai nhắc đến cách “hành xử bất ổn” của Nga trên toàn cầu, bao gồm cả vấn đề Ukraine và Georgia.
Văn kiện trên nêu bật những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào nền dân chủ và làm rõ ràng rằng Washington đang theo dõi các chiến dịch ảnh hưởng của Moskva – mặc dù ông Trump liên tiếp bày tỏ nghi ngờ về kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Các mối đe dọa hàng đầu
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Xếp đầu trong danh sách những mối đe dọa đối với Mỹ của chính quyền Trump là hai nước Triều Tiên và Iran. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cùng với các hoạt động tên lửa đạn đạo đã trở thành mối lo ngại an ninh quốc gia lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump và vấn đề Iran tài trợ khủng bố cùng với nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông cũng là điều đáng lo ngại chính.
Để đương đầu với mối đe dọa từ khủng bố thánh chiến, chiến lược của chính quyền Trump kêu gọi duy trì hành động quân sự của Washington chống lại các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đấu tranh chống cực đoan hóa tại Mỹ.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng về an ninh mạng và người nhập cư và bức tường biên giới Mỹ - Mexico cũng được đề cập đến.
Biến đổi khí hậu bị gạt bỏ
Kế hoạch của ông Trump đã đi ngược lại với các đánh giá của chính quyền Obama và ban lãnh đạo hiện tại của Lầu Năm Góc rằng biến đối khí hậu là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Văn kiện chiến lược này đề cập đến "tầm quan trọng của việc quản lý môi trường" sau khi nhấn mạnh "sự thống trị về năng lượng", bao gồm việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước của Mỹ như các nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên, xăng dầu. Quyết định không công nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia được đưa ra sau quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của Tổng thống Trump hồi đầu năm nay – bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế - và bãi bỏ một loạt các quy định về môi trường.
Viết và nói là hai chuyện khác nhau
Một điểm đáng lưu ý đã trở nên rõ ràng khi Tổng thống Trump phát biểu ngày 18/12 nhằm giới thiệu chiến lược mới với đất nước và thế giới: văn kiện này có thể không bao giờ được chuyển dịch toàn bộ thành lời nói và hành động của Tổng thống.
Trong khi văn kiện đề cập tới Nga khoảng 20 lần, cáo buộc nước này can thiệp vào nội bộ nước khác cũng như phá hoại Mỹ, nhưng khi nói về văn kiện, Tổng thống Trump chỉ trực tiếp nhắc đến Nga một lần, cùng với Trung Quốc, khi ông gọi hai nước là “cường quốc đối địch”.
Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đã chuyển hướng đề cập đến cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/12 để thảo luận về hợp tác tình báo giúp đẩy lùi một vụ tấn công khủng bố ở Nga. Ông cũng không nhắc đến các chiến dịch ảnh hưởng của Nga như văn kiện chiến lược an ninh quốc gia đề cập.
Tổng thống Trump cũng sử dụng bài phát biểu làm cơ hội để công kích những người tiền nhiệm, phê bình “các thất bại trong quá khứ”.
Ông Trump nói: "Họ bỏ mặc một mối đe dọa hạt nhân ở Triều Tiên, tạo ra một thỏa thuận thảm họa, yếu ớt và không thể hiểu nổi với Iran, và cho phép những kẻ khủng bố như IS giành quyền kiểm soát các phần lãnh thổ khổng lồ trên khắp Trung Đông”.