Riyadh và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đều đã lên tiếng và khẳng định việc điều động binh sĩ đến Saudi Arabia có mục đích đảm bảo ổn định trong Vùng Vịnh.
Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tuyên bố: “Dựa trên hợp tác song phương giữa Saudi Arabia và Mỹ cũng như mục đích của hai quốc gia này bảo vệ những thứ có thể giữ an ninh và ổn định khu vực…, Quốc Vương Salman đã chấp thuận để lực lượng quân đội Mỹ đồn trú”.
Trong khi đó, CENTCOM khẳng định việc cử binh sĩ góp phần “tạo thêm răn đe và đảm bảo năng lực bảo vệ lực lượng cũng như lợi ích của Mỹ trong khu vực trước các mối đe dọa đáng kể, nổi bật”.
Trong chuyến thăm căn cứ không quân Hoàng tử Sultan ngày 18/7, chỉ huy CENTCOM – Tướng Kenneth McKenzie đã kêu gọi đảm bảo an ninh hàng hải tại Vùng Vịnh. Chuyến thăm này chỉ diễn ra một ngày sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu quyết định ngừng thương vụ bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia và một số đồng minh khác.
Giáo sư Andreas Krieg tại Đại học King's College London (Anh), động thái điều động binh sĩ cho thấy Mỹ đang cố gắng “tăng các giải pháp quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Iran”.
Washington và Tehran đã rơi vào căng thẳng quan hệ kể từ tháng 5/2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khởi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015 sau đó tái áp đặt lệnh trừng phạt với nước cộng hòa Hồi giáo.
Lo ngại về xung đột Mỹ-Iran gia tăng kể từ tháng 5 khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu tại Vùng Vịnh. Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công trong khi Tehran bác bỏ cáo buộc này. Iran còn bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Washington đã lên kế hoạch không kích Iran nhưng đã hủy vào phút chót.
Cả Saudi Arabia và Mỹ đều chưa tiết lộ cụ thể số lượng binh sĩ sẽ được triển khai tại quốc gia chỉ nằm cách bờ biển Iran 200 km. Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin rằng 500 binh sĩ sẽ đồn trú tại căn cứ không quân Hoàng tử Sultan ở phía Nam Riyadh.
Căn cứ không quân Hoàng tử Sultan vốn là nơi đồn trú của hàng nghìn binh sĩ Mỹ và nhiều phi đội chiến đấu cơ kể từ năm 1991 cho đến năm 2003 khi Mỹ đưa quân đến lật đổ chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Các nhà phân tích cho rằng việc triển khai binh sĩ có mục đích tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, đặc biệt là về quân sự.
Nhà nghiên cứu James Dorsey tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore đánh giá: “Saudi Arabia muốn nói rằng: nếu các bạn gắn bó với chúng tôi thì chúng tôi cũng như vậy. Trong khi đó, phía Mỹ muốn nhắn nhủ: chúng tôi luôn hỗ trợ các bạn”.
Chính quyền Tổng thống Trump vốn phải đối mặt với chỉ trích từ nhiều nghị sĩ bởi họ cho rằng Washington chưa trừng phạt thích đáng Riyadh trong vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.
Bất chấp các chỉ trích, Tổng thống Trump nhiều lần ca ngợi Thái tử Mohammed bin Salman trong khi nhiều ý kiến cho rằng ông này chính là người đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Giáo sư Andreas Krieg nhận định: “Về phần Thái tử Mohammed bin Salman, việc Mỹ điều động binh sĩ cho thấy Washington vẫn là nhà bảo hộ an ninh quan trọng và giữ cam kết với an ninh của Saudi Arabia”.
AFP cho biết về phần Thái tử Mohammed bin Salman, ông kỳ vọng Mỹ chuyển một số binh sĩ từ căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar tới Saudi Arabia.
Giáo sư Krieg đánh giá điều quan trọng đối với Thái tử Mohammed bin Salman là nhận được hỗ trợ từ Lầu Năm Góc để cho thấy Saudi Arabia là đối tác an ninh của Mỹ.
Khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân Al Udeid. Căn cứ Al Udeid được thành lập từ năm 2005 và khi đó Mỹ chủ trương tìm kiếm căn cứ không quân mới trong khu vực sau khi rút binh sĩ khỏi Saudi Arabia.