Cuộc họp trên được tổ chức theo đề nghị của Saudi Arabia. Chủ trì hội nghị, Ngoại trưởng nước này, Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah khẳng định Israel đã vi phạm các nghị quyết quốc tế. Ông cho biết Riyadh bác bỏ các kế hoạch và biện pháp dùng vũ lực của Israel nhằm trục xuất người Palestine khỏi nơi ở của mình tại Đông Jerusalem, áp đặt chủ quyền trái phép và tiến hành các hành động quân sự gây thương vong.
Ông bin Abdullah kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động để ngăn chặn các chiến dịch quân sự này, cung cấp viện trợ, điều trị cho những người bị thương và nối lại các cuộc đàm phán trên cơ sở giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và Sáng kiến Hòa bình Arab.
Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký OIC Yousef bin Ahmed Al-Othaimeen cho biết các bước đi của Israel không giúp ích cho các nỗ lực của tiến trình hòa bình, mà thay vào đó chỉ phá hủy các nỗ lực nhằm đạt một giải pháp hợp lý, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột tại Trung Đông. Ông tái khẳng định tình đoàn kết của OIC với nhân dân Palestine và việc thành lập nhà nước của người Palestine theo các đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Về phần mình, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Malikia kêu gọi các ngoại trưởng OIC lập mặt trận quốc tế chống lại Israel và phản đối tình trạng leo thang bạo lực nhằm vào người Palestine. Ông cũng thúc giục OIC hành động tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại hội đồng LHQ và Hội đồng nhân quyền LHQ, các tòa án quốc tế để chống lại cái mà ông gọi là "các vụ tấn công của Israel nhằm vào người Arab, Hồi giáo và tất cả nhân dân tự do trên thế giới".
Trong diễn biến khác cùng ngày, quan sát viên thường trực của Liên đoàn Arab (AL) tại LHQ Maged Abdelaziz kêu gọi Mỹ cần tích cực hơn trong tiến trình hòa bình Trung Đông và từ bỏ lập trường thiên vị Israel của chính quyền tiền nhiệm tại Mỹ. Phát biểu cuộc họp khẩn thứ ba trong tuần của HĐBA LHQ về tình hình căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine, ông Abdelaziz nêu rõ: "AL kêu gọi Mỹ, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Joe Biden, can dự một cách tích cực, có tầm ảnh hưởng và sâu rộng hơn trong tiến trình hòa bình Trung Đông".
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cũng tại cuộc họp trên, đặc phái viên của LHQ về Trung Đông Tor Wennesland hoan nghênh các thành viên HĐBA, AL và nhiều tổ chức khác đã ra tuyên bố kêu gọi tìm giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang leo thang.
Ông Wennesland cho biết xung đột leo thang giữa hai bên tuần qua đã gây ra nhiều hậu quả thương tâm và nếu tiếp diễn thì người dân của cả hai bên phải chịu thêm nhiều thương đau. Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để ngăn chặn các bên liên quan khiến tình hình thêm tồi tệ, đồng thời khẳng định vòng xoáy bạo lực hiện nay chỉ có thể dừng lại thông qua giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, chấm dứt các hoạt động chiếm đóng, công nhận giải pháp 2 nhà nước dựa trên đường biên giới phân định năm 1967, các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung.
Ông Wennesland khẳng định tình trạng bạo lực tiếp diễn hiện nay là không thể chấp nhận được bởi người Israel và Palestine đều có quyền hợp pháp được sống trong môi trường an toàn và đảm bảo an ninh. Ông cũng nhấn mạnh việc lực lượng Hamas phóng rocket vào các khu dân cư hay phía Israel sử dụng quá mức các loại vũ khí không chừa cả khu vực dân thường đều vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Về phần mình, phát biểu tại HĐBA, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin kêu gọi nhóm Bộ Tứ Trung Đông về vấn đề Israel - Palestine (gồm LHQ, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) cần tổ chức họp ở cấp bộ trưởng sớm nhất có thể. Ông Vershinin nêu rõ: "Với mong muốn giảm leo thang tình hình và tạo ra bầu không khí tin tưởng, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là cấp thiết tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm các nhà trung gian hòa giải quốc tế". Nhà ngoại giao Nga cũng tái khẳng định rằng Moskva sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine. Ông Vershinin lên án tình hình bạo lực gần đây, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Trong phát biểu của mình tại cuộc họp trên, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki - đại diện cho Chính quyền Palestine (PA), không phải nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas - bày tỏ rất tiếc về những người Israel thiệt mạng, nhưng ông cũng cáo buộc Israel phạm "các tội ác chiến tranh" trong cuộc tấn công kéo dài gần 1 tuần qua, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để ngăn chặn việc này.
Ông al-Maliki cho rằng HĐBA LHQ cần phân tích cán cân quyền lực và "hành động ngay từ bây giờ để tự do được thực thi". Ông al-Maliki nhấn mạnh: "Israel đang chiếm đóng các phần lãnh thổ của Palestine. Mọi đánh giá tình hình mà không tính đến hành động cơ bản này sẽ đều là thiên vị".
Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết các cuộc không kích và bắn pháo vào Dải Gaza "sẽ tiếp tục chừng nào còn cần thiết"
Xung đột giữa Israel và Palestine gia tăng nhanh chóng từ đầu tuần trước, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Tình hình vốn đã căng thẳng do các động thái của Israel tìm cách trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu dân cư gần Thành cổ ở Jerusalem đã bùng phát tại một trong những khu thánh địa thiêng liêng nhất của thành phố, nơi người Hồi giáo gọi là Noble Sanctuary, còn người Do Thái gọi là Núi Đền.
Những vụ đụng độ tại đền thờ Al-Aqsa và các khu vực khác ở Thành cổ sau đó đã khiến hàng trăm người Palestine và một số cảnh sát Israel bị thương.
Tranh chấp giữa người Palestine và Israel là vấn đề đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua. Các nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel - Palestine trên cơ sở hai nhà nước cùng tồn tại cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả, do thiếu các nỗ lực quốc tế và sự thiếu quyết tâm vì tính toán lợi ích của các bên liên quan.