Ông có thể đảo ngược thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga để mua các hệ thống vũ khí của Mỹ, hoặc bác bỏ yêu cầu của Mỹ cũng như quên đi dự án máy bay chiến đấu F-35 để chọn Moskva thay vì Washington.
“Quyết định của chính phủ trong vấn đề này sẽ là điều mà thị trường chứng khoán theo dõi rất chặt”, ông Shamaila Khan, Giám đốc phụ trách các chiến lược nợ thị trường mới nổi tại AllianceBernstein, trả lời kênh CNBC hôm 2/4. “Bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào với Mỹ sẽ tác động lên các tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ankara đã ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Moskva năm 2017 để mua S-400. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hộ trợ tài chính cho dự án vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ - tiêm kích F-35 khi đầu tư khoảng 1,25 USD cho chương trình này tính đến hiện tại.
Trong tuần qua, Lầu Năm Góc tuyên bố đình chỉ hoạt động chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ - động thái mới nhất trong loạt biện pháp gây căng thẳng kéo dài giữa hai quân đội lớn nhất Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Kế hoạch sở hữu S-400 của Tổng thống Erdogan đã gây lo ngại giữa các thành viên NATO và Mỹ. Họ lo lắng hệ thống phòng không này có thể tấn công các máy bay tàng hình giống như F-35. Mặt khác, Washington cũng đề phòng đến khả năng tăng cường hiện diện quân sự của Moskva tại khu vực này.
Đồng lira tiếp tục lao dốc?
“Nếu quan hệ Mỹ - Thổ lại thêm xói mòn, khả năng cao đồng lira có thể tiếp tục bị mất giá mạnh so với những tiền tệ chính”, ông Agathe Demarais – nhà kinh tế học châu Âu tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) nhận định.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn trong tình trạng suy thoái từ năm 2018 sau khi các lo ngại về việc chính phủ can thiệp vào sự độc lập của ngân hàng trung ương nước này, tình trạng ngân hàng đầu cơ quá mức và thâm hụt tài khoảng vãng lai lớn cũng như tranh cãi ngoại giao với Mỹ đã châm ngòi dòng tháo chạy vốn trong giới đầu tư. Đồng lira đã mất 36% giá trị so với đồng USD vào cuối năm ngoái. Lạm phát và thất nghiệp đang ở mức hai con số và dự kiến sẽ còn tăng do tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tránh đối kháng với Mỹ vì nỗi sợ gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ khác mà ngành ngân hàng có thể không chống đỡ nổi”, ông Dem Demisis nói. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ các cơ hội liên quan đến tiêm kích F-35 với số tiền lên tới 12 tỷ USD theo tính toán của nhà thầu Lockheed Martin.
Thế nhưng ông Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ không đổi ý về thỏa thuận S-400. Điều này được thúc đẩy bởi sự phụ thuộc của Ankara vào Moskva trong những hoạt động quân sự tại Syria. Hơn nữa, ông Erdogan còn thể hiện mong muốn chứng tỏ với người dân của mình rằng ông không cúi đầu trước áp lực từ phía Mỹ.
Trách nhiệm thuộc về Tổng thống Erdogan
Để tìm kiếm hệ thống vũ khí giá tốt nhất, chính trị gia 65 tuổi đã “nhìn ra những lý do về chiến lược địa chính trị để mua hệ thống của Nga, vì dựa vào Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một kết quả triển vọng trong cuộc chiến tranh tại Syria”, bà Amanda Sloat, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với CNBC.
Theo bà, Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự không hài lòng cũng như áp đặt trừng phạt Ankara thông qua đạo luật CAATSE (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) đối với thỏa thuận mua vũ khí Nga trên. Trong khi đó, phía Lầu Năm Góc lại đề nghị tiếp tục đối thoại. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Pat Shanahan ngày 2/4 cho biết ông hy vọng Lầu Năm Góc sẽ giao các đơn đặt hàng F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ miễn là nước này vẫn dùng hệ thống tên lửa và phòng không Patriot của Mỹ.
“Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ông Erdogan với một lựa chọn quả quyết giữa hai lối đi”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.