Tuyên bố chung của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: "Với kỳ vọng chiến dịch quân sự này sẽ chấm dứt, Pháp đã quyết định dừng mọi kế hoạch xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ mà có thể được sử dụng cho chiến dịch này. Quyết định sẽ có hiệu lực ngay lập tức".
Tuyên bố còn cho biết các bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề này trong một cuộc họp sắp tới tại Luxembourg.
* Cũng trong ngày 12/10, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều nước châu Âu để phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria. Chính phủ các quốc gia như Đức và Pháp cũng có biện pháp cụ thể phản ứng trước hành động quân sự của Ankara.
Tại thủ đô Paris của Pháp, các nhà tổ chức cho biết có hơn 20.000 người đã tham gia cuộc tuần hành sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào các thị trấn ở khu vực Đông Bắc Syria hiện do lực lượng người Kurd kiểm soát. Tuy nhiên, cảnh sát Paris ước tính chỉ có khoảng 4.000 người tham gia cuộc tuần hành này. Các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Pháp như Marseille, Bordeaux, Lille, Grenoble và Strasbourg, nơi đặt trụ sở của Nghị viện châu Âu (EP).
Tại thủ đô Berlin của Đức, trong ngày 12/10, hàng nghìn người đã tập trung tuần hành nhằm phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria. Những người biểu tình kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện vai trò của mình.
Các cuộc tuần hành phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cũng diễn ra ở Vienna (Áo), Athens (Hy Lạp), Budapest (Hungaria), Zurich (Thụy Sĩ), Stockholm (Thụy Điển) cùng nhiều thành phố lớn khác ở Hà Lan, Ba Lan, Bỉ v.v.
Bên cạnh các cuộc tuần hành, chính phủ một số nước châu Âu như Đức và Pháp đã có động thái phản ứng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Pháp ngày 12/10 cho biết đã ngừng toàn bộ việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo Ankara rằng chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành tại miền Bắc Syria đe dọa tới an ninh châu Âu.
Tuyên bố chung của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: "Với kỳ vọng chiến dịch quân sự này sẽ chấm dứt, Pháp đã quyết định dừng mọi kế hoạch xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ mà có thể được sử dụng cho chiến dịch. Quyết định sẽ có hiệu lực ngay lập tức". Tuyên bố còn cho biết các bộ trưởng ngoại giao các nước EU sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề này trong một cuộc họp sắp tới tại Luxembourg.
Cũng trong ngày 12/10, truyền thông Đức dẫn lời Ngoại trưởng nước này Heiko Maas cho biết Berlin đã cấm xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ như một phản ứng với chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào lực lượng dân quân Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại miền Bắc Syria. Năm 2018, Đức đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 243 triệu euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này.