Theo SANA, các tay súng đã bắn đạn chứa khí độc vào các khu dân cư Zahraa và al-Khalidiyeh cũng như Phố Nile. Hàng chục người đã phải nhập viện do có dấu hiệu khó thở.
Trong khi đó, cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn nguồn Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết một cuộc tấn công của quân chính phủ vào khu vực Idlib do phe đối lập kiểm soát đã làm 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 phụ nữ và 7 trẻ em.
Chỉ vài giờ sau khi SANA đưa tin về việc phe đối lập phát động một cuộc tấn công hóa học tại Aleppo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenko cho biết quân đội nước này đã điều các chuyên gia hóa học tới thành phố Aleppo.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Konashenko cho biết các nhóm chuyên gia từ các đơn vị phòng vệ chiến tranh hạt nhân, hóa học và sinh học được triển khai tại các trạm quan sát ở Syria đã nhanh chóng tới khu vực được cho là xảy ra vụ tấn công, mang theo thiết bị chuyên dụng. Nhóm chuyên gia này đang làm việc với những người bị thương ở các bệnh viện cũng như kiểm tra và theo dõi môi trường xung quanh.
Theo thông tin ban đầu, các triệu chứng của những người bị phơi nhiễm cho thấy có khả năng vụ tấn công sử dụng khí clo.
Theo Tướng Konashenko, phía Nga trước đó đã có thông tin về việc tổ chức Mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) đang chuẩn bị tiến hành các hành động khiêu khích hóa học tại vùng phi quân sự quanh Idlib với mục đích "đổ vấy" cho quân đội chính phủ.
Cuộc xung đột ở Syria nổ ra từ năm 2011 và đến nay đã làm hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải đi lánh nạn. Trong hơn 7 năm diễn ra nội chiến, quân chính phủ và phe đối lập thường xuyên cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học gây ảnh hưởng đến dân thường.
Mới đây, Nga, quốc gia đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria, đã nhất trí lập một vùng đệm tại Idlib và các khu vực xung quanh, một giải pháp nhằm tránh khủng hoảng leo thang tại quốc gia này.
Với sự thành lập vùng đệm phi quân sự, chính quyền Tổng thống Assad đã tạm hoãn một chiến dịch quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria. Tuy nhiên, kể từ khi đạt được thỏa thuận vẫn xảy ra các vụ đụng độ lẻ tẻ tại khu vực trên, và cuộc đụng độ đêm 8/11 là vụ việc gây nhiều thương vong nhất.