Thông cáo báo chí của bộ trên nêu rõ trong cuộc điện đàm, Thứ trưởng Choi tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ cần thiết để nối lại tiến trình đàm phán "xét tầm quan trọng của các mối quan hệ Seoul - Tehran". Về phần mình, Đặc phái viên Malley đề nghị Seoul tiếp tục đóng vai trò "xây dựng" trong các nỗ lực tái khởi động đàm phán.
Trước đó, ngày 6/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận ông đã thảo luận với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về việc khôi phục JCPOA, đồng thời khẳng định Moskva và Washington có mối quan tâm chung về vấn đề này.
Phát biểu họp báo tại Paris trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ Mỹ và Nga có mối quan tâm chung đối với việc tuân thủ trở lại JCPOA. Hai bên đã có cơ hội chia sẻ lập trường của nhau, cũng như lộ trình mà Washington và Moskva mong muốn.
Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và Đức), Tehran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bở các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.
Sau khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận JCPOA. Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận này đã được nối lại từ tháng 4 vừa qua tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, Iran đã yêu cầu tạm dừng đàm phán vào tháng 6 vừa qua do sự thay đổi lãnh đạo ở nước này, theo đó ông Ebrahim Raisi trở thành Tổng thống Iran.
Ngày 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cảnh báo sắp hết thời gian để Iran trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.