Kênh RT (Nga) đưa tin lãnh đạo Bộ tư lệnh hỗ trợ và kích hoạt chung (JSEC) thuộc NATO – Tướng Alexander Sollfrank đã chia sẻ quan điểm này trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters (Anh) hôm 23/11.
Tướng Sollfrank phụ trách JSEC, một cơ sở nằm tại thị trấn Ulm của Đức. JSEC đảm nhận vai trò điều phối di chuyển của quân nhân và trang thiết bị NATO trên toàn châu Âu. Ông Sollfrank nói rằng mặc dù JSEC đã thành lập từ năm 2021 nhưng công việc của vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.
Ông giải thích việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt. Bên cạnh đó, vận chuyển quân đội hoặc thiết bị quy mô lớn còn cần phải thông báo trước. Do vậy, Tướng Sollfrank đề nghị các nước châu Âu nên thành lập khu vực “Schengen quân sự” để khắc phục những vấn đề này.
Tại châu Âu vốn tồn tại Khu vực tự do đi lại Schengen. Schengen bao gồm 23 trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng các quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Tướng Sollfrank không phải là quan chức quân sự đầu tiên lên tiếng về các vấn đề hậu cần ở châu Âu. Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, Tướng Ben Hodges vào năm 2022 đã nhận định với Reuters: “Chúng ta không có đủ năng lực vận tải hoặc cơ sở hạ tầng tạo điều kiện để lực lượng của NATO di chuyển nhanh chóng trên khắp châu Âu”.
Ông Hodges chỉ ra rằng các quốc gia châu Âu có khổ đường sắt khác nhau và nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn chỉ có khả năng vận chuyển một lữ đoàn thiết giáp - khoảng 4.000 binh sĩ, 90 xe tăng và 150 xe bọc thép cùng một thời điểm.
Reuters đưa tin, việc di chuyển bằng đường bộ tại châu Âu cũng có nhiều trở ngại khác nhau. Một ví dụ là nhóm xe tăng Pháp đi qua Đức để đến Romania tập trận vào năm 2022 đã bị chặn lại vì trọng lượng của chúng vượt quá quy định giao thông đường bộ Đức. Theo một báo cáo riêng của Breaking Defense, ngay cả khi những chiếc xe tăng này được phép rời Đức, chúng sẽ không thể đi qua Ba Lan do chất lượng xây dựng cầu ở nước này không tốt.