Theo đài RT (Nga), ông Ignat cảnh báo máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cũng có thể trở thành mục tiêu của Moskva nếu loại vũ khí này được cung cấp cho Ukraine.
Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine cũng thừa nhận rằng hệ thống phòng không của Kiev không hiệu quả trước khả năng tấn công của Nga. Lý do là Moskva sở hữu quá nhiều hệ thống S-300 khiến Kiev không thể bắn hạ tất cả.
“Chúng tôi không thể tiếp nhận một số lượng lớn tên lửa. Phải cất chúng ở đâu đó và đối phương sớm hay muộn cũng sẽ biết về địa điểm cất giấu”, ông Ignat bình luận về kho dự trữ cho các hệ thống phòng không của Ukraine.
Các hệ thống S-300 do Liên Xô sản xuất chủ yếu được thiết kế để phòng không và có khả năng đánh chặn cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay. Chúng cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Trong những tháng gần đây, Kiev liên tục phàn nàn về việc thiếu nguồn cung đạn dược từ phương Tây. Tuy nhiên, phát biểu với hãng truyền thông địa phương Focus hôm 20/1, ông Ignat cho rằng quân đội Ukraine dù thế nào đi nữa cũng sẽ không thể dự trữ số lượng lớn đạn dược, do có nguy cơ bị Nga phá hủy nhanh chóng.
Đầu tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tuyên bố quân đội nước này đang phải đối mặt với thực tế thiếu đạn dược.
Năm ngoái, các nước phương Tây đã tuyên bố thành lập liên minh giúp Ukraine mua máy bay chiến đấu F-16 và đào tạo phi công lái loại máy bay chiến đấu này. Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến vào cuối năm 2024. Trong đó, Hà Lan và Đan Mạch đã đi đầu trong nỗ lực này, cam kết sẽ gửi cho Kiev 61 chiếc máy bay.
Đầu tháng này, ông Ignat cảnh báo rằng việc vận hành cả máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất và máy bay chiến đấu thời Liên Xô sẽ là một thách thức “cực kỳ khó khăn” đối với quân đội Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thế giới không sản xuất đủ vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kiev. Đồng quan điểm, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine Aleksandr Kamyshin hồi tháng 10/2023 tuyên bố toàn bộ sản lượng vũ khí toàn cầu là không đủ cho nước này.