Ba yếu tố chính quyết định diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp tới

Trong thời gian tới, lợi thế cuối cùng sẽ thuộc về bên nào có khả năng tốt hơn trong việc huy động kinh tế và ngoại giao.

Chú thích ảnh
Viện trợ của phương Tây cho Ukraine suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu của Kiev. Ảnh: UNIAN

Bình luận trên tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ mới đây, Eugene Chausovsky, Giám đốc cấp cao về Đào tạo và Phát triển Phân tích, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh liên quan đến Nga, Âu-Á và Trung Quốc, cũng như các vấn đề kết nối toàn cầu liên quan đến năng lượng và biến đổi khí hậu, cho rằng khả năng quản lý kinh tế và ngoại giao có mục tiêu có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình cuộc xung đột Nga-Ukraine trong thời gian tới. 

Theo ông Chausovsky, thành công của Ukraine sắp tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào ba yếu tố chính: 

Thứ nhất, về an ninh, yếu tố then chốt sẽ không phải là kiểm soát lãnh thổ như trước đây mà là khả năng các quốc gia tiến hành “các hoạt động ngoài tiền tuyến”, điều này “sẽ kiểm tra khả năng của mỗi bên trong việc chịu đựng một cuộc xung đột như vậy thêm một năm nữa”. Do đó, số lượng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng có thể sẽ tăng lên.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, ngay trong đầu năm 2024, cả Nga và Ukraine đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau. Trong khi Nga tập trung nhằm vào các mục tiêu có tầm quan trọng đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ukraine, thì Kiev lại tăng cường tấn công các mục tiêu hậu cần của Moskva, đặc biệt là ở Crimea. 

Thứ hai, về mặt chính trị, các cuộc bầu cử có thể sẽ có tác động đáng kể đến cuộc xung đột, trong đó tình hình ở Mỹ khá bất ổn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ và đặc biệt là viện trợ tài chính cũng như quân sự cho Ukraine. Trong trường hợp trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ giảm hoặc cắt viện trợ cho Ukraine nhằm gây sức ép buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moskva cùng với những thỏa hiệp nhất định. 

Nhưng thách thức trước mắt với Ukraine đó là sự bế tắc tại Quốc hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine. Các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ về hỗ trợ tài chính cho Ukraine, cho đến nay vẫn chưa dẫn đến một thỏa thuận nào. Tại Hạ viện, và sau đó là Thượng viện, đảng Cộng hòa bắt đầu yêu cầu việc áp dụng một gói hỗ trợ khác cho Kiev sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường bảo vệ biên giới với Mexico và những thay đổi trong luật nhập cư.

Các cuộc thảo luận về những vấn đề này tiếp tục diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử căng thẳng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, trước sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường và xã hội Mỹ, có thể khó đạt được thỏa thuận về vấn đề nhập cư, và việc không đạt được thỏa thuận sẽ đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ khó thông qua gói hỗ trợ cho Ukraine.

Khi Quốc hội Mỹ lưỡng lự về việc tài trợ viện trợ cho Ukraine, khả năng quân sự của Ukraine sẽ suy giảm. Sự suy giảm này là dần dần. Tác động của việc giảm viện trợ sẽ ngày càng rõ ràng trên chiến trường. Ukraine không còn khả năng tiến hành phản công. Đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay, họ sẽ gặp khó khăn khi tiến hành các cuộc phản công cục bộ, và đến đầu mùa hè, họ sẽ phải vật lộn để chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Thứ ba, theo chuyên gia Chausovsky, yếu tố kinh tế có thể là lĩnh vực quyết định nhất trong việc định hình cuộc chiến Nga-Ukraine trong thời gian tới. Như đã đề cập ở trên, sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Mỹ và EU là rất quan trọng đối với Kiev, trong khi Nga cho đến nay vẫn nỗ lực duy trì khả năng phục hồi và linh hoạt về kinh tế trước áp lực trừng phạt của phương Tây “bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và đặc biệt là năng lượng với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ  và các quốc gia vùng Vịnh”.

Ngoài ra, cả hai nước đều tập trung nỗ lực ngoại giao vào việc thiết lập quan hệ với các nước ở Nam toàn cầu. Tuy nhiên, ưu tiên của Kiev vẫn là sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Theo ông Chausovsky, trong năm nay, lợi thế cuối cùng sẽ thuộc về bên nào có khả năng tốt hơn trong việc huy động kinh tế và ngoại giao.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Foreignpolicy.com/ISW)
Mỹ muốn châu Âu viện trợ cho xung đột ở Ukraine
Mỹ muốn châu Âu viện trợ cho xung đột ở Ukraine

Mỹ khó có thể cung cấp viện trợ tài chính và quân sự đáng kể cho Ukraine trong tương lai gần, nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc liệu châu Âu có đủ khả năng thay thế Washington hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN