Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko cho biết ông đã nhất trí với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quân đội hai nước có thể phối hợp hành động cùng đối phó với nguy cơ đe dọa từ bên ngoài.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 vừa qua. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố và xảy ra xô xát với cảnh sát. Trên 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có trên 120 nhân viên thực thi pháp luật.
Tổng thống Lukashenko đã đề cập tới kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Ông coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.
Trước đó, ngày 27/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính quyền Belarus và phe đối lập cùng nhau tìm một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông cho biết Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự phòng để hỗ trợ Tổng thống Belarus Lukashenko, nhưng sẽ không sử dụng lực lượng này, trừ khi tình hình bạo loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Thủ tướng Albania Edi Rama cho rằng tình trạng bạo lực sau cuộc bầu cử tại Belarus rất đáng quan ngại, đồng thời kêu gọi Belarus chấp thuận đề xuất của tổ chức này hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua đối thoại.