Các lực lượng Iraq tiến vào ngoại ô phía nam thành phố Kirkuk trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố này từ các tay súng người Kurd ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi cuộc giao tranh kéo dài suốt 4 giờ đồng hồ, lực lượng Peshmerga và hàng nghìn tay súng có liên hệ với các đảng người Kurd đã buộc phải rút khỏi thành phố Kirkuk.
Lực lượng Chống khủng bố (CTS), quân đội Iraq, cảnh sát liên bang và các lữ đoàn của đơn vị bán quân sự Hashd Shaabi đã được triển khai ra toàn thành phố Kirkuk, cách thủ đô Baghdad khoảng 250 km.
Trước đó, lực lượng Iraq cũng giành lại căn cứ không quân K1 cùng một số cơ sở hạ tầng khác ở phía Nam thành phố Kirkuk, trong khi lực lượng người Kurd đã nhất trí trả lại quân đội Iraq quyền kiểm soát trụ sở của Công ty Dầu mỏ phía Bắc và một nhà máy lọc dầu gần đó tại khu vực Tây Bắc Kirkuk.
Thủ tướng, đồng thời là Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi đã ra lệnh cho các binh sĩ treo cờ Iraq tại tất cả các khu vực tranh chấp, trong đó có Kirkuk.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng al-Abadi đã trấn an người dân khu vực người Kurd, cũng như Kirkuk rằng chính quyền trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hiến pháp nhằm mở rộng quyền hạn của chính phủ liên bang, đảm bảo an ninh và thịnh vượng quốc gia tại đây.
Ông kêu gọi các lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd thực thi nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của chính phủ liên bang với tư cách là một phần của lực lượng vũ trang Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch của quân đội Chính phủ Iraq tại thành phố Kirkuk. Trong khi đó, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng việc lực lượng dân quân Peshmerga rút khỏi thành phố Kirkuk đã đặt dấu chấm hết cho “một âm mưu nguy hiểm gây tổn hại tới an ninh khu vực”.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đã duy trì mối quan hệ tốt với lực lượng người Kurd và ủng hộ cả Chính phủ Iraq, song nước này sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp giữa hai bên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình bạo lực xung quanh thành phố Kirkuk của Iraq, đồng thời kêu gọi các bên tránh các hành động khiêu khích có thể bị thế lực thù địch lợi dụng để kích động xung đột sắc tộc, trong đó có tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ Mỹ ủng hộ việc thực thi giám sát chung một cách hòa bình giữa chính quyền trung ương và khu vực tại tất cả các khu vực tranh chấp theo đúng Hiến pháp Iraq.
Về phần mình, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Robert Manning khẳng định Washington ủng hộ một Iraq thống nhất, và các lực lượng Mỹ sẽ không can dự hoặc ủng hộ bên nào trong cuộc đối đầu tại Kirkuk.
Quan chức này từ chối bình luận về khả năng Mỹ dừng các hoạt động viện trợ quân sự và huấn luyện cho lực lượng Iraq trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng, đồng thời hối thúc các bên đối thoại và hành động theo hiến pháp Iraq, tránh các hành động gây bất ổn có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống IS
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cảnh báo Chính phủ Iraq về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu Baghdad sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp nhằm chống lại các lực lượng người Kurd.
Theo ông, việc Mỹ cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Chính phủ Iraq là nhằm chống IS và ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, thay vì tấn công các chính quyền khu vực, cũng chính là đối tác lâu năm và quan trọng của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua việc điều một phái bộ chuyên gia đến Baghdad để hỗ trợ Iraq về các chiến lược an ninh dân sự.
Nhóm này gồm 35 chuyên gia do một sĩ quan cảnh sát cấp cao của Đức đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ nhà chức trách Iraq trong việc chống chủ nghĩa khủng bố và tham nhũng.