Chính quyền ông Biden đã dành 2 năm đầu đẩy mạnh quan hệ của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ nhiều khả năng sẽ vấp phải thách thức về hậu cần và nhạy cảm chính trị ở một số quốc gia.
Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố kế hoạch “xoay trục” sang châu Á vào cuối năm 2011, nhưng sự chuyển hướng này đã bị gián đoạn do xung đột tại Trung Đông, châu Âu cũng như lập trường của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã tiết lộ nhiều sáng kiến chính tập trung vào nâng cao ngoại giao, kinh tế và hiện diện an ninh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner tiết lộ yếu tố hiện diện an ninh sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2023.
Ông Ratner cho biết những thay đổi đó đòi hỏi các quan chức Mỹ phải nhiều năm làm việc thực sự tích cực. Ông bổ sung rằng công việc đó vẫn đang tiếp tục. Ông đề cập đến thỏa thuận AUKUS với Australia và Anh, một thỏa thuận gần đây về đẩy nhanh và mở rộng các dự án thuộc Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) cùng một thông báo trong tháng 12 về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ tại Australia.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023, được ký thành luật trong tháng 12 này, cho phép cấp vốn các dự án thi công quân sự trên khắp Thái Bình Dương, trong đó có cả các căn cứ lớn của Mỹ cũng như những tiền đồn nhỏ hơn chẳng hạn như Tinian ở quần đảo Bắc Mariana, một lãnh thổ của Mỹ. Các binh chủng của quân đội Mỹ cũng đang thực hiện sáng kiến riêng để tạo điều kiện cho lực lượng vận hành theo phương thức phân tán hơn trên khắp Thái Bình Dương.
Một số đồng minh và đối tác đã đón nhận điều này. Nhật Bản và Australia đang hợp tác chặt chẽ hơn với nhau cũng như với Mỹ. Các quốc gia khác đã tìm cách huấn luyện nhiều hơn với quân đội Mỹ.
Bà Stacie Pettyjohn, Giám đốc Chương trình Quốc phòng tại Trung tâm vì một An ninh Mỹ mới, cho biết việc gửi thêm quân đội Mỹ đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể không mang lại thay đổi vì nhiều khả năng họ sẽ không được phân công lâu dài ở đó.
Bà Pettyjohn cho rằng cần đầu tư thực tế vào cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tại các địa điểm mới để có thể "hỗ trợ các chiến dịch được phân bổ của Mỹ cũng như vị trí thiết bị mà quân đội Mỹ có thể tháo dỡ và sử dụng nếu được triển khai". Bà cũng đề cập đến các dự án tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Australia mà Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ sử dụng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Drew Thompson tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew ở Singapore cho rằng chính phủ mới của Philippines đang theo đuổi quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn với Mỹ. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á khác và nhiều quốc đảo Thái Bình Dương lại tỏ ra thận trọng hơn.
Lãnh đạo các nước Đông Nam Á khá ngần ngại trong việc chọn bên, còn các quốc đảo Thái Bình Dương lo ngại cuộc cạnh tranh quyền lực giữa nước lớn sẽ làm lu mờ vấn đề đáng quan tâm nhất của họ là biến đổi khí hậu.
Chính quyền Tổng thống Biden đã kết nối với hai khu vực này. Một số quan chức cấp cao đã đến thăm các nước Đông Nam Á, còn hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương đã diễn ra tại thủ đô Washington vào tháng 9.
Ông Thompson cho biết có nhiều cơ hội để "mở rộng khả năng tiếp cận và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ" ở cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á, nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải tính đến giới hạn của những mối quan hệ đối tác đó, đặc biệt là ở Đông Nam Á.