Động thái này xuất phát từ kế hoạch của Washington yêu cầu bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động triển khai quân đội Mỹ.
Trong tuyên bố ngày 12/3, ủy ban trên cho biết các thành viên của ủy ban đặc biệt lưu ý về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các đồng minh bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ việc triển khai quân đội Mỹ. Đây là yếu tố chủ chốt dẫn đến đề xuất bỏ phiếu nói trên. Tuyên bố khẳng định Iraq sẽ không thực hiện các yêu cầu của Mỹ liên quan vấn đề trên, đồng thời cho hay các thành viên của ủy ban này sẽ sớm bỏ phiếu về một dự luật chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq.
Tuyên bố trên được đưa ra ít ngày sau khi giới chức Mỹ được cho là đã bắt đầu soạn thảo một chính sách mới, theo đó yêu cầu các quốc gia mà các lực lượng Mỹ được triển khai tăng khoản đóng góp kinh phí cho hoạt động của binh sĩ Mỹ tại nước sở tại.
Kể từ sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2016, Tổng thống Donald Trump đã tìm cách giảm chi phí cho các hoạt động của quân đội Mỹ ở nước ngoài, theo đó yêu cầu các nước trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng khoản đóng góp cho hoạt động của lực lượng này mà lâu nay Mỹ là nước có khoản đóng góp lớn nhất.
Mới đây nhất, ngày 8/3 vừa qua, sau hơn 10 vòng đàm phán kéo dài gần 1 năm qua, Mỹ và Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận chính thức về việc chia sẻ chi phí để duy trì hoạt động của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), theo đó Seoul sẽ chi 1.040 tỷ won (920 triệu USD) trong năm 2019, tăng 8,2% so với năm 2018 cho các hoạt động của lực lượng USFK.