Serbia 'từ bỏ' vũ khí Nga: Thay đổi chiến lược hay sức ép từ phương Tây?

Serbia, đồng minh lâu năm của Nga, vừa tuyên bố hủy bỏ nhiều hợp đồng vũ khí với Moskva, tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ song phương. Từ việc chọn mua máy bay Rafale của Pháp thay thế MiG-29 đến giảm quyền sở hữu của Nga trong ngành năng lượng, Belgrade dường như đang chuyển mình để xích lại gần phương Tây?

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất. Ảnh: TASS

Trong một động thái đáng chú ý, Serbia - đồng minh thân cận lâu năm của Nga tại châu Âu, đã quyết định hủy bỏ các hợp đồng mua vũ khí từ Moskva. Thông tin này được Tổng tham mưu trưởng quân đội Serbia Milan Mojsilović xác nhận với trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 10/1.

Theo ông Mojsilović, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Mặc dù Belgrade đang nỗ lực tìm giải pháp thông qua các kênh ngoại giao, một số hợp đồng đã buộc phải hủy bỏ, số khác phải tạm hoãn với hy vọng tình hình quốc tế sẽ cải thiện trong tương lai.

Một minh chứng rõ nét cho xu hướng này là việc Serbia từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu mới của Nga vào tháng 8/2023 - vốn đã được thảo luận từ năm 2021. Thay vào đó, Belgrade đã quyết định chi 2,7 tỷ euro để mua 12 máy bay phản lực Rafale của Pháp, nhằm thay thế phi đội bay MiG-29 cũ do Nga sản xuất.

Theo Tiến sĩ Orhan Dragaš, người sáng lập và Giám đốc Viện An ninh Quốc tế tại Belgrade, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây khó khăn nghiêm trọng cho việc vận chuyển vũ khí từ Nga đến Serbia. Nguyên nhân là do Belgrade bị bao quanh bởi các quốc gia thành viên NATO, những nước này từ chối cho phép máy bay ngoại giao Nga bay qua không phận của họ.

Đáng chú ý, ông Dragaš nhận định đây không phải là một sự thay đổi tạm thời mà là "một bước ngoặt mang tính chiến lược" của Serbia. Bởi lẽ, các quyết định mua sắm quân sự thường được hoạch định cho mục tiêu dài hạn và một khi mối quan hệ này bị đứt đoạn, việc khôi phục là điều gần như không thể.

Không chỉ trong lĩnh vực quân sự, Serbia còn có những động thái tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga trong các lĩnh vực khác. Cụ thể, nước này đang tiến hành các bước để giảm thiểu quyền sở hữu của Nga trong công ty dầu khí quốc gia NIS. Đồng thời, Belgrade cũng đã đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách nhập khẩu từ khu vực Caspi và khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) qua Hy Lạp.

Một điểm đáng chú ý khác là việc Serbia đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine thông qua các nước thứ ba, với giá trị lên tới khoảng 800 triệu đô la Mỹ - một con số vượt trội so với đóng góp của một số thành viên NATO.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng Serbia dần tách khỏi sự phụ thuộc vào Nga phản ánh nỗ lực của Belgrade - một ứng cử viên gia nhập EU, trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại để phù hợp hơn với phương Tây và EU.

Tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng Mojsilović cũng cho biết quân đội Serbia vẫn có thể duy trì hoạt động với các thiết bị quân sự hiện có của Nga và cả từ thời Liên Xô, bởi phụ tùng thay thế được sản xuất theo giấy phép tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, việc mua sắm thiết bị mới từ Nga hiện không còn khả thi.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
Lãnh đạo Serbia, Ukraine điện đàm về cải thiện quan hệ song phương
Lãnh đạo Serbia, Ukraine điện đàm về cải thiện quan hệ song phương

Ngày 26/12, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó 2 bên đã trao đổi về việc cải thiện quan hệ song phương và những chuẩn bị hướng tới việc hai nước gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN