Xem video Su-34 tấn công các mục tiêu IS:
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay tiêm kích Su-34 đã cất cánh từ căn cứ Hamedan, tiến hành một cuộc oanh kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của IS tại tỉnh Deir ez-Zor. Bộ trên khẳng định chiến dịch đã thành công, các máy bay ném bom phá hủy 2 sở chỉ huy, các doanh trại huấn luyện dã chiến lớn của IS thuộc tỉnh trên, tiêu diệt hơn 150 phiến quân trong đó có cả các tay súng nước ngoài.
Trước đó một ngày, các máy bay ném bom của Nga đã lần đầu tiên cất cánh từ căn cứ Hameda, đồng loạt không kích các mục tiêu của IS và tổ chức khủng bố Jabhat Al-Nusra ở ba tỉnh thành phố Syria gồm Aleppo, Deir Ezzor và Idlib. Các máy bay Nga đã phá hủy "5 kho chứa vũ khí, đạn dược và nhiên liệu" và một số trại huấn luyện của phong trào thánh chiến Jihad gần Aleppo, Deir Ezzor và Idlib và 3 trung tâm chỉ huy ở gần làng Jafra và Deir Ezzor, tiêu diệt "một lượng lớn" tay súng.
Mỹ đã chỉ trích hành động trên của Nga, đồng thời cho biết đang xem xét liệu vụ việc này có vi phạm hay không Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cấm cung cấp, bán và vận chuyển máy bay chiến đấu sang Iran.
Máy bay Tu-22M3 của Nga tiến hành chiến dịch không kích chống khủng bố ở Syria sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hamedan ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp New Zealand Murray McCully tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định không có cơ sở nào cho thấy Nga đã vi phạm Nghị quyết 2231 bởi "không có chuyện bán hay cung cấp, vận chuyển máy bay sang Iran". Ông nhấn mạnh: "Với sự nhất trí của Iran, những máy bay này đang được lực lượng không quân Nga sử dụng để tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria theo đề nghị của chính quyền Syria".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga còn cho biết Moskva đang nỗ lực hợp tác với Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Theo ông, hiện hai nước đang thảo luận các cơ chế cụ thể để thực thi những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Moskva của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng trước. Hai bên cũng đang thảo luận với LHQ về khả năng mở thêm các hành lang nhân đạo ở thành phố Aleppo và các khu vực lân cận. Ngoài ra, hai bên còn đang xem xét khả năng tăng cường kiểm tra hàng hóa vận chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp cho các phần tử khủng bố.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định Nga không có căn cứ quân sự thường trực trong lãnh thổ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Hãng thông tấn IRNA đưa tin dù không trực tiếp đề cập tới các cuộc không kích, song ông Larijani đã tuyên bố Iran "hợp tác với Nga, vì đó là đồng minh của Tehran trong những vấn đề khu vực, đặc biệt là các vấn đề Syria". Những bình luận trên của ông Larijani được cho là nhằm xoa dịu các mối quan ngại trong nước liên quan tới chiến dịch không kích ở Syria. Theo Hiến pháp Iran, được ban hành sau Cách mạng Hồi giáo 1979, quân đội nước ngoài không được phép lập căn cứ trong lãnh thổ nước này.
Hiện Iran và Nga là hai nước đồng minh ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nước này luôn phản đối việc phương Tây kêu gọi chính quyền của ông Assad từ chức để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua, vốn đã khiến hơn 290.000 người thiệt mạng.