Mối đe dọa đối với hoạt động vận chuyển toàn cầu ở eo biển Bab el-Mandeb có thể không còn được nhắc đến nhiều, nhưng những vấn đề từ các cuộc tấn công của Houthi lại rất quan trọng đối với các thành viên NATO.
Đó là nhận định của Doug Livermore, Phó chỉ huy Biệt đội tác chiến đặc biệt thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Lục quân Bắc Carolina (Mỹ) trên trang web của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) mới đây.
Theo chuyên gia Livermore, các hoạt động tấn công tàu thương mại của Houthi ở Yemen, bao gồm việc sử dụng ngư lôi, thiết bị bay không người lái (UAV), thiết bị không người lái trên mặt nước (USV) và tên lửa có tác động đáng kể đến các nước NATO.
Các cuộc tấn công của Houthi không chỉ đe dọa an ninh của các tuyến đường hàng hải mà còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh rộng hơn của chiến tranh bất đối xứng cũng như cạnh tranh chiến lược liên quan đến Trung Quốc, Nga và Iran.
Việc Houthi kiểm soát bờ biển ở Biển Đỏ của Yemen giúp họ chi phối đến một trong những nút thắt hàng hải quan trọng nhất thế giới: Eo biển Bab el-Mandeb. Eo biển hẹp này nối Biển Đỏ với Vịnh Aden và Biển Arab. Mặc dù nằm ở phía Nam của chí tuyến Bắc, và do đó nằm ngoài giới hạn địa lý của NATO, nhưng lợi ích của liên minh quân sự này cũng bị ảnh hưởng.
Eo biển này cho phép vận chuyển dầu, khí đốt tự nhiên và hàng hóa thương mại giữa châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Việc Houthi nhắm mục tiêu vào các tàu buôn đã gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thương mại toàn cầu.
Các nước NATO, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường này để vận chuyển năng lượng và thương mại, phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng do các biện pháp an ninh được tăng cường và đôi khi phải đi đường khác xa hơn. Các cuộc tấn công của Houthi cũng làm tăng phí bảo hiểm cho các tàu hoạt động trong khu vực, gián tiếp ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.
Hơn nữa, các nước NATO phụ thuộc vào dòng chảy dầu khí không bị gián đoạn qua Bab el-Mandeb. Bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá xăng dầu cũng như hàng hoá tăng đột biến, ảnh hưởng đến các nền kinh tế của những nước thành viên NATO đang phải vật lộn với sự biến động của thị trường năng lượng toàn cầu.
Thách thức này nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với an ninh năng lượng của NATO. Do đó, lực lượng hải quân của NATO, đặc biệt là hải quân Mỹ, Pháp và Anh, ngày càng can dự nhiều hơn vào khu vực này để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường vận chuyển. Điều này làm chuyển hướng nguồn lực của họ khỏi các ưu tiên chiến lược khác và dẫn đến các cuộc đối đầu trực tiếp với Houthi.
Các hoạt động của Houthi không phải là một hiện tượng riêng lẻ mà là một phần của hình thức chiến tranh phi truyền thống rộng lớn hơn, liên quan đến cả Iran, Trung Quốc và Nga.
Như vậy, việc tiếp tục và leo thang các hoạt động chống tàu của Houthi có thể có một số tác động lâu dài đối với phương Tây. Để chống lại những mối đe dọa này, NATO và các đồng minh sẽ cần tăng cường sự hiện diện và năng lực hải quân ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Tuy nhiên, chống lại các mối đe dọa như UAV, USV và tên lửa sẽ thúc đẩy sự đổi mới của NATO trong các biện pháp đối phó.
Điều này bao gồm phát triển khả năng tác chiến điện tử tiên tiến, cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa và công nghệ phát hiện và vô hiệu hoá ngư lôi tốt hơn. Các thành viên NATO không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng cường các biện pháp an ninh hàng hải, đổi mới công nghệ và áp dụng các chiến lược ngoại giao và kinh tế toàn diện.