Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào Israel cuối tuần qua. Cuộc tấn công được thực hiện để đáp trả cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này, đánh dấu lần đầu tiên Tehran tấn công trực tiếp Israel.
Tuy nhiên, theo nhận định của Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Viện Beirut, trên tờ The National (UAE) ngày 15/4, cuộc tấn công của Iran khó có thể dẫn đến xung đột toàn diện với Israel. Trên thực tế, việc giảm leo thang dường như đã được chuẩn bị trước. Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc tuyên bố rằng cuộc trả đũa “được coi là đã kết thúc” nếu Israel không đáp trả. Jordan, Iraq và thậm chí cả Israel ngày 15/4 đều đã mở lại không phận của mình, trong khi Iran đã mở lại các sân bay của họ.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Iran và Israel trong lịch sử luôn duy trì thái độ "hòa hoãn" một cách tinh tế. Mặc dù sự leo thang gần đây được một số người nhìn nhận trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra, nhưng sự bất đồng cơ bản giữa Iran và Israel không xoay quanh tương lai của Palestine. Thay vào đó, tranh cãi giữa hai bên tập trung vào việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, bất chấp năng lực quân sự ngày càng tăng, Iran khó có thể thắng trong cuộc chiến chống lại sức mạnh tổng hợp giữa Mỹ và Israel. Iran hiểu rằng Mỹ sẽ không đứng ngoài trong trường hợp xảy ra chiến tranh trực tiếp với Israel. Thật vậy, lực lượng Mỹ đóng quân trong khu vực cho biết họ đã bắn hạ một số máy bay không người lái của Iran nhắm vào Israel vào cuối tuần qua.
Một lý do khác để Iran không tìm cách leo thang hơn nữa với Israel, ngoài cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, là họ không muốn mạo hiểm trong mối quan hệ đang diễn ra với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Các cuộc đàm phán "sau hậu trường" vẫn đang được tiến hành, với mục đích khôi phục Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Ngoài ra, có một số lý do khiến Iran thận trọng. Tehran có lẽ muốn tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể chuyển quan điểm hiện tại của chính quyền Biden đối với Israel từ "giận dữ" sang "đồng cảm". Cuối cùng, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và vẫn có thể thành công.
Về phần mình, Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) nhận định, việc tên lửa của Iran nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự ở xa, cùng với sự thông báo rõ ràng cho cuộc tấn công này, cho thấy Iran đã cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra cuộc tấn công dẫn đến xung đột khu vực. Cần nhấn mạnh rằng Iran cảnh giác với sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và khả năng xảy ra đối đầu với Mỹ. Do đó, hành động của Iran trước và trong cuộc tấn công cho thấy nước này có thể hài lòng với phản ứng của họ và có thể tránh leo thang thêm, trừ khi cần thiết.
INSS lưu ý, "quả bóng" hiện đang ở trên sân của Israel và phản ứng đối với cuộc tấn công từ Iran sẽ quyết định liệu Tel Aviv sẽ tiến tới một sự leo thang nghiêm trọng hay sẽ kết thúc chu kỳ hiện tại. Israel có thể hài lòng với tỷ lệ đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa chưa từng có, sự hợp tác đặc biệt với Mỹ và Anh, trên hết là bị thiệt hại thực tế tối thiểu.
Israel có thể chỉ đáp trả một cách hạn chế, đặc biệt khi Mỹ không ủng hộ một cuộc đáp trả của Israel. Tuy nhiên, đây là một sự kiện chưa từng có và có thể dẫn đến một phản ứng gay gắt nhằm ngăn chặn những sự kiện như vậy trong tương lai, vạch ra ranh giới đỏ cho Iran để nước này không lặp lại động thái tương tự. Mặc dù vậy, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran đều làm tăng đáng kể khả năng xảy ra xung đột khu vực, vượt ra ngoài toan tính của Israel và Iran. Vì vậy, Israel có thể sẽ phối hợp mọi phản ứng với Mỹ.
Với các cường quốc trên thế giới, cả Nga và Trung Quốc đều gửi tín hiệu rằng có rất ít lý do biện minh cho một cuộc xung đột trực tiếp. Cả hai cường quốc đều không muốn một cuộc chiến tranh toàn cầu nổ ra, mỗi cường quốc đều có ưu tiên lợi ích kinh tế và chiến lược của mình ở Trung Đông.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực tối đa để kiềm chế xung đột lan rộng. Mỹ muốn truyền đạt cho Iran rằng họ không được thông báo trước về cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus và rằng Washington vẫn cam kết thực hiện các cuộc đàm phán bí mật với Tehran.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng nhắc lại cam kết bảo vệ đồng minh Israel của mình trong trường hợp xảy ra chiến tranh trực tiếp với Iran, nhưng tiếp tục cảnh báo Israel về hậu quả của bất kỳ hành vi mạo hiểm nào, đặc biệt liên quan đến chiến dịch Rafah đã được lên kế hoạch của nước này.
Rõ ràng, chính quyền Biden vẫn duy trì niềm tin vào ngoại giao, ưu tiên đối thoại hơn là đối đầu. Trong bối cảnh đó, hy vọng rằng cả Iran và Israel kiềm chế để ngăn chặn leo thang hơn nữa.