Theo hãng tin Reuters, nếu các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn vận chuyển xe tăng, xe tải và nguồn cung yếu phẩm bằng đường sắt tới tiền tuyến phía Đông, đây có thể là một trong những trở ngại hậu cần đầu tiên. Chính trở ngại này có thể khiến hoạt động vận chuyển trang thiết bị chậm gần 1 ngày.
"Thực tế đã được chứng minh rõ ràng rằng khi đi từ Ba Lan đến Litva, các trang thiết bị phải chuyển sang tuyến đường sắt khác vì Litva, Latvia, Estonia, Ukraine và Georgia vẫn sử dụng khổ đường ray cũ của Nga. Vì vậy, cần xây dựng bổ sung cơ sở hạ tầng trước khi tăng cường năng lực phòng thủ”, Ben Hodges – Cựu chỉ huy lực lượng lục quân Mỹ tại châu Âu – cho hay.
“Cái mà chúng ta học được từ cuộc xung đột Ukraine và Nga là chúng ta được nhắc nhở, cuộc chiến là một bài kiểm tra về mức độ sẵn sàng và hậu cần. Chúng ta không có đủ phương tiện cũng như cơ sở hạ tầng phù hợp có thể triển khai nhanh chóng lực lượng NATO ra khắp châu Âu. Công ty vận tải đường sắt Deutsche Bahn của Đức là tất cả những gì chúng ta dựa vào. Tuy nhiên, họ cũng chỉ có đủ số khoang để vận chuyển 1,5 lữ đoàn trong một thời điểm”, chuyên gia Ben nhận định.
Sau 25 năm tham gia chiến đấu trong các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài, ông Ben cho biết NATO cần thể hiện rằng liên minh này có thể phản ứng trước một mối đe dọa ngay biên giới.
Không chỉ tuyến đường sắt, đường bộ tại các nước thành viên ở miền Đông, cụ thể là đường xá đầy ổ gà, có thể gây ra một trở ngại khác cho việc triển khai quân nhanh chóng.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Romania, đường cao tốc chỉ chiếm 5% hệ thống đường của Romania, trong khi 28% đường của nước này chỉ là sỏi và đất.
"Thông qua các cuộc tập trận trong vài năm qua, chúng tôi đã phát hiện ra rằng càng đi xa về phía đông, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn vì cơ sở hạ tầng không chắc chắn hoặc dư thừa. Không có nhiều cầu có thể chịu tải trọng của một chiếc xe tăng Abrams hiện đại hoặc Leopard”, chuyên gia Ben miêu tả.
EU đã phân bổ 1,6 tỷ euro (khoảng 1,64 tỷ USD) cho các dự án cơ động quân sự đến năm 2027. Tuy nhiên, theo ông Ben, số tiền đó là chưa đủ.
Trong khi đó, với lo ngại mình có thể là mục tiêu tiếp theo của Nga, Ba Lan đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của mình. Một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD dự kiến sẽ kết nối Warsaw với các thủ đô của vùng Baltic vào năm 2030.
Đây là một phần trong nỗ lực của Ba Lan nhằm cải thiện khả năng di chuyển dân sự và quân sự trên khắp trung tâm châu Âu. Hàng trăm kilomet đường sắt, đường cao tốc và những cây cầu mới đã được lên kế hoạch xây dựng.