Ankara cho rằng kế hoạch này nhằm bảo vệ Tướng Khalifa Haftar sau khi lực lượng trung thành với ông thực hiện cuộc tấn công bất thành nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli.
Cairo trước đó đã kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn từ ngày 8/6 như một phần trong khuôn khổ sáng kiến vốn cũng đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn đối với Libya. Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã hoan nghênh kế hoạch này trong khi Đức cho rằng các cuộc đàm phán được Liên hợp quốc ủng hộ là chìa khóa cho tiến trình hòa bình.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bác bỏ đề xuất được xem như một nỗ lực bảo vệ Tướng Haftar sau những thất bại mà ông và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) gặp phải trên chiến trường.
Trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng: "Nỗ lực ngừng bắn tại Cairo sẽ chết yểu. Nếu một lệnh ngừng bắn được ký kết, nó nên được thực hiện trên một nền tảng đưa tất cả mọi người xích lại với nhau. Lời kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ Tướng Haftar dường như không chân thành hoặc đáng tin cậy với chúng tôi".
Cũng theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ tiếp tục hội đàm với tất cả các bên để tìm kiếm một giải pháp tại Libya, song một giải pháp như vậy đòi hỏi cần có sự đồng thuận của cả hai phía.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết thêm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã ủy quyền các ngoại trưởng, các bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo các cơ quan tình báo và các cố vấn an ninh của hai nước thảo luận các động thái có thể thực hiện tại Libya.
Trước đó, ngày 8/6, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận vấn đề Libya. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã nhất trí "một số vấn đề" và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại thành phố ven biển Sirte và căn cứ không quân Jufra ở miền Nam.