Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas tại Ankara, Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ đề xuất của Đức thành lập một vùng an toàn quốc tế ở miền Đông Bắc Syria là "phi thực tế". Ông tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ vụ vi phạm nhân quyền nào ở khu vực này và sẽ điều tra mọi cáo buộc về các vụ vi phạm này.
Trước đó, ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đề xuất thiết lập một vùng an ninh do quốc tế kiểm soát ở Syria. Bà Karrenbauer cho rằng việc lập một vùng an ninh do quốc tế kiểm soát, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, là nhằm mục tiêu giảm leo thang căng thẳng. Đề xuất này hiện đã nhận được sự ủng hộ một cách thận trọng từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà Kramp-Karrenbauer khẳng định các đối tác NATO đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thảo luận đề xuất dự kiến được công khai vào ngày 28/10 tới này.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch này chỉ nhằm vào các tay súng người Kurd và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Bắc Syria, để đảm bảo an ninh biên giới và "đem lại hòa bình cho khu vực". Tuy nhiên, chiến dịch làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Đến ngày 22/10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí một thỏa thuận đảm bảo lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30 km, đồng thời hai nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung tại "vùng an toàn" mà Ankara muốn thiết lập ở khu vực miền Bắc Syria.