Hãng tin TASS dẫn lời Phó chủ tịch Văn phòng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ông Celal Sami Tufekci cho biết, quá trình chuyển giao các tên lửa phòng không S-400 sẽ được Nga tiến hành trong năm 2019.
"Chúng tôi nói là năm 2019, năm nay", ông Tufekci nói sau khi có bài phát biểu hôm 7/2 tại Quỹ Nghiên cứu Chính trị, kinh tế, xã hội ở Washington. Ông Tufekci bổ sung rằng quyết định về vấn đề này đã được đưa ra ở cấp cao nhất.
Trước đó cùng ngày, kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin Mỹ cho biết, Washington sẽ đình chỉ hợp đồng tên lửa Patriot nếu Ankara quyết tâm thực hiện hợp đồng mua tên lửa S-400 từ Nga.
Tin tức về đàm phán Nga - Thổ xung quanh việc chuyển giao các hệ thống S-400 xuất hiện lần đầu tiên từ tháng 11/2016. Tháng 9/2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo Ankara đã ký một hợp đồng mua S-400 của Nga, thanh toán trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, Ankara sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống S-400 từ tháng 10/2019.
Video quân đội Nga thử S-400:
Moskva tuyên bố S-400 là hệ thống phòng không tân tiến có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái ở cách xa 600 km, trong phạm vi độ cao từ 10 mét đến 27km. S-400 cũng có khả năng bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu đang di chuyển với tốc độ lên tới 4.800m/giây bằng 72 quả tên lửa không đối đất.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 Nga đã khiến Mỹ nổi giận đe dọa áp đặt trừng phạt. Bất chấp cảnh báo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch mua sắm vũ khí Nga. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, khi S-400 được chuyển giao, vũ khí này sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của NATO.
Năm ngoái, Tập đoàn Rosoboronexport của Nga từng tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ lên đầu năm 2019. Hai nước cũng thống nhất sẽ chuyển sang dùng các đồng nội tệ để thanh toán hợp đồng thay vì sử dụng đôla Mỹ như trước.
S-400 được Nga triển khai lần đầu tiên năm 2010. Mỗi khẩu đội S-400 có 8 bệ phóng, 1 trung tâm điều khiển, radar và 16 tên lửa dự phòng. Nó được triển khai để bảo vệ không phận Nga và chống lại các tên lửa hay máy bay chiến đấu, trong đó có cả máy bay tàng hình.
Một tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 100 mục tiêu ở phạm vi 400-600 km, khóa 36 mục tiêu và điều khiển đồng thời 72 tên lửa tấn công 36 mục tiêu này. Thường thì 1 tiểu đoàn S-400 có khoảng 12 xe phóng với 48 tên lửa (mỗi xe phóng có 4 tên lửa), nếu muốn mang được nhiều tên lửa hơn thì phải dùng loại tên lửa cỡ nhỏ và có tầm bắn ngắn hơn như 9M96E hoặc 9M96E2 (mỗi xe phóng có thể mang 16 tên lửa 9M96 cỡ nhỏ thay vì 4 tên lửa cỡ lớn).
Tại Syria, hai hệ thống S-400 của Nga đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus.
Video Nga đưa S-400 tới căn cứ Hmeimim, Syria năm 2015:
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quốc gia khác cũng đã ký hợp đồng mua S-400 của Nga trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc. Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mua 48 hệ thống S-400 của Nga và đã bắt đầu nhận hàng hồi tháng 7/2018. Trong khi đó, New Delhi muốn mua 80 bệ phóngS-400.